Sáng 26/9/2022, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức buổi Thảo luận bàn tròn và hội thảo về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng.
Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng ngày càng tăng
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, bên cạnh thị trường truyền thống, các hoạt động kinh doanh trực tuyến đang bùng nổ với đa dạng nền tảng kinh doanh, hình thức giao dịch. Bên cạnh những lợi ích thu được từ mô hình này vẫn tồn tại nhiều thách thức, trong đó có vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ, khi mà các hoạt động giao dịch thương mại vượt qua giới hạn địa lý, lãnh thổ.
Sự bùng nổ của khoa học công nghệ khiến khó phát hiện hành vi vi phạm để xử lý, gây tác động tiêu cực đến xã hội. Các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ được thực hiện bằng nhiều hình thức, thủ đoạn mới như sử dụng công nghệ cao làm cho người tiêu dùng và cơ quan chức năng khó phát hiện. Các đối tượng vi phạm có xu hướng chuyển dịch từ phương thức truyền thống sang hình thức thương mại điện tử thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo... không có giới hạn địa lý, các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi.
Bà Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam cho biết, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gây tác động nặng nề đến các nhà làm phim. Chẳng hạn như phim Cô Ba Sài Gòn vừa đưa ra đã bị ăn cắp bản quyền. Tương tự, phim Bố Già của Việt Nam vừa ra mắt cũng bị trang web Phimmoi vi phạm bản quyền. Mặc dù trang web Phimmoi đã bị khởi tố nhưng gần 1 năm nay vẫn chưa xử lý được, chưa đưa ra được phán quyết để có thể răn đe những hành vi ăn cáp bản quyền tương tự- bà Ngô Phương Lan chia sẻ.
Còn đại diện Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Quyền sở hữu Trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nêu thực trạng, thực tế hiện nay, mỗi tháng có trên 300.000 vi phạm về sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng. Do tính ẩn danh của người bán hàng online nên người tiêu dùng không biết đâu mà kiện khi gặp vấn đề về mua hàng online; cùng với đó, việc kiểm tra hàng thật hàng giả rất khó khăn, bởi các trang bán hàng online thường lấy ảnh của trang bán hàng chính hãng, nhưng lại bán hàng giả, hàng nhái.
Một thực tế nữa là do không đăng ký quyền sở hữu trí tuệ nên nhiều thương hiệu của Việt Nam đã bị đánh cắp tại nước ngoài, như nước mắm Phú Quốc, Vinataba, Vinamit, Café Trung Nguyên… bị các đối tác nước ngoài đăng ký tên miền, đánh mất thương hiệu tại một số quốc gia lớn và phải tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc để giành lại thương hiệu ở một số thị trường, nhưng vẫn lao đao trong việc giữ vững thương hiệu của mình.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nêu ví dụ, Công ty FPT cũng phải sang Mỹ đàm phán mua lại tên miền của chính mình để có thể được hoạt động tại Mỹ. Đây là những bài học đắt giá của doanh nghiệp trong viêc đăng ký bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của mình.
Nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trên môi trường mạng
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - ngài Marc E. Knapper khẳng định, một trong những tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp là thương hiệu và việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ đặc biệt quan trọng trong việc tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ như: Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030… Gần đây nhất, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua với số phiếu nhất trí rất cao- Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ.
Thời gian qua, Việt Nam đã cố gắng trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức...
Theo đại diện Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ, số lượng các vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tăng ở 2 lĩnh vực là tên miền và mua bán trên mạng. Đây là những khó khăn chung không phải của riêng Việt nam mà cả thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam khó khăn hơn do xử lý chủ yếu bằng biện pháp hành chính, Tòa án thụ lý rất ít những vụ vi phạm này. Một khó khăn nữa là ở Việt Nam, việc xử lý hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phải qua nhiều cơ quan mới thực hiện được, ảnh hưởng đến thời gian xử lý các vụ vi phạm.
Các chuyên gia đề xuất, để nâng cao việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung và trên không gian mạng nói riêng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ. Tham khảo, học tập kinh nghiệm của các quốc gia hàng đầu về thực thi quyền sở hữu trí tuệ như: Mỹ, Anh… Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Chính phủ, bộ, ngành, hiệp hội và người tiêu dùng. Nâng cao trình độ cho các cán bộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Theo vietq.vn