Cán bộ Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh hướng dẫn chi tiết về phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng VietGap, GlobalGap.
Tham gia lớp tập huấn, các học viên được hướng dẫn chi tiết về phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn (VietGap, GlobalGap); vai trò, nhiệm vụ của Hội nông dân trong phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu nông sản; những vướng mắc của HTX trong việc tổ chức quản lý các hoạt động dịch vụ; mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012; những chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với kinh tế tập thể, đăng ký nhãn hiệu bảo hộ sản phẩm…
Trong thời gian tập huấn, các học viên còn được cung cấp những kiến thức cơ bản về chuỗi giá trị (trọng tâm là chuỗi giá trị nông sản); kỹ năng phân tích để xác định các hoạt động nâng cấp chuỗi giá trị.
Bà Nguyễn Thị Nhuần - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, Hà Tĩnh là tỉnh có nhiều nông sản đặc sản ngon nhưng chưa có thương hiệu, nhãn mác. Nông sản thơm, ngon nhưng cần phải sạch và có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc rõ ràng mới có chỗ đứng trên thị trường.
"Đơn cử, sau khi được bảo hộ, thương hiệu cam Vũ Quang đã được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn, người trồng cam ngày càng có lợi nhuận cao hơn do giá trị nông sản được nâng lên. Hi vọng với những thông tin, kiến thức được trang bị thông qua đợt tập huấn lần này, các cán bộ, hội viên nông dân sẽ áp dụng vào điều kiện thực tiễn sản xuất nhằm xây dựng thành công chuỗi giá trị nông sản trong đó chú trọng khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản", bà Nhuần chia sẻ.
Theo Dương Chiến/Baohatinh.vn