Từ tháng 12, hàng loạt chính sách, quy định mới sẽ chính thức có hiệu lực. PLO xin giới thiệu một số quy định, chính sách mới này.
Báo chí nếu đăng tải thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng có thể bị đình chỉ hoạt động đến 12 tháng.
Báo chí có thể bị đình chỉ hoạt động đến 12 tháng
Từ 1-12, Nghị định 119/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản sẽ có hiệu lực. Trong quy định tại nghị định lần này, có nhiều mức phạt trong hoạt động báo chí tăng mạnh như mức phạt đối với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên báo chí.
Cụ thể, nếu gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng sẽ bị phạt 5 - 10 triệu đồng; trường hợp gây ảnh hưởng nghiêm trọng sẽ bị phạt 50 - 70 triệu đồng; đối với trường hợp gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng sẽ bị phạt 70 - 100 triệu đồng.
Cả ba trường hợp nêu trên, báo chí đều buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật đã đăng tải. Riêng trường hợp đăng thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, báo chí có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động 1 - 12 tháng.
Nghị định cũng quy định cụ thể về trường hợp cơ quan báo chí phải cải chính, xin lỗi. Trong đó, cơ quan báo chí sẽ bị phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng nếu không thực hiện việc gỡ bỏ thông tin sai sự thật; không thông báo cho các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp có thỏa thuận việc sử dụng tin bài của báo mình để thực hiện đăng lại lời cải chính, xin lỗi hoặc cải chính,…
Trường hợp không cải chính, xin lỗi theo quy định; không đăng, phát nội dung kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung sai sự thật, xuyên tạc, vu khống xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đã đăng, phát trên báo chí thì cơ quan báo chí sẽ bị phạt tiền 10 - 20 triệu đồng.
Từ 10-12, người thừa kế khi khiếu nại phải xuất trình với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giấy tờ để chứng minh quyền thừa kế của mình. Ảnh minh họa
Người thừa kế có quyền khiếu nại
Nghị định 124/2020 về hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại sẽ chính thức có hiệu lực từ 10-12.
Theo đó, Nghị định quy định người khiếu nại đang thực hiện việc khiếu nại bị chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó được thừa kế theo quy định của pháp luật thì người thừa kế có quyền khiếu nại.
Người thừa kế khi khiếu nại phải xuất trình với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giấy tờ để chứng minh quyền thừa kế của mình. Người thừa kế có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.
Trường hợp có nhiều người thừa kế thì những người đó có quyền ủy quyền cho một trong những người thừa kế hoặc luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.
Làm mất hóa đơn bị phạt đến 10 triệu đồng
Nghị định 125/2020 xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn sẽ có hiệu lực từ ngày 5-12, trong đó có quy định mức phạt đối với hành vi làm mất hóa đơn.
Cụ thể, phạt cảnh cáo nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng có tình tiết giảm nhẹ; làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập sai, đã xóa bỏ và người bán đã lập hóa đơn khác thay thế.
Trường hợp làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ và có tình tiết giảm nhẹ sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng.
Phạt từ 4 - 8 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập; Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Phạt từ 5 - 10 triệu đồng nếu làm mất, cháy, hỏng hóa đơn không thuộc các trường hợp trên…
Từ 5-12, ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế
khi có đề nghị của
cơ quan thuế. Ảnh: TL
Từ 5-12, ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 5-12.
Theo đó, tại khoản 2, Điều 30 của Nghị định nêu rõ, theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế, bao gồm: Tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
Đồng thời, trong trường hợp cần thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế.
Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của các thông tin trên.
Khai sai số tiền mang theo khi xuất cảnh bị phạt đến 50 triệu đồng
Nghị định 128/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có hiệu lực từ 10-12, quy định hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt; thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Nghị định quy định cụ thể các mức phạt đối với người xuất cảnh không khai, khai sai số tiền, vàng mang ra nước ngoài vượt quá mức quy định.
Cụ thể, phạt 1 - 3 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị 5 - 10 triệu đồng; phạt 5 - 15 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị 30 - dưới 70 triệu đồng; phạt 15 - 25 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị 70 - dưới 100 triệu đồng; phạt từ 30 - 50 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người
kê khai tài sản
nếu không trung thực có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức...
Xử lý người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực
Có hiệu lực từ 20-12, Nghị định 130/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đã đề cập đến việc xử phạt hành vi kê khai không trung thực.
Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập nhưng kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Cụ thể, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử. Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ sẽ không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.
Ngoài ra, người kê khai không trung thực có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm. Nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch. Trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.
Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau hai lần được đôn đốc bằng văn bản thì có thể bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.
Bên cạnh đó, Nghị định 133/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Thông tư 40 của Bộ GD&ĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập... cũng có hiệu lực từ tháng 12 này.
Theo https://plo.vn/phap-luat