07:40 | 01-08-2017

Những điểm mới trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định về doanh nghiệp KH&CN

Thực trạng doanh nghiệp KH&CN của Việt Nam
Phát triển doanh nghiệp KH&CN đã được khẳng định là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của phát triển KH&CN. Chính vì vậy, trong những năm qua, để tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở pháp lý cho phát triển doanh nghiệp KH&CN, một số văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành như: Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN, Nghị định số 96/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 115/2005/NĐ-CP và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BKHCN-BTC-BNV và Thông tư liên tịch số 17/2012/TTLT-BKHCN-BTC-BNV hướng dẫn thực hiện Nghị định số 80/2007/NĐ-CP.
Sau 9 năm triển khai (2007-2016), các chính sách về doanh nghiệp KH&CN đã góp phần hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp KH&CN, cũng như kích thích doanh nghiệp thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển, tạo ra kết quả KH&CN để thành lập doanh nghiệp KH&CN. Tính đến tháng12/2016, cả nước có 250 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN và nhiều hồ sơ đăng ký chứng nhận đang trong quá trình thẩm định. 46 Sở KH&CN trên cả nước đã tiến hành cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Những tỉnh, thành phố có số lượng doanh nghiệp KH&CN được cấp nhiều là: Hà Nội: 34; TP Hồ Chí Minh: 26; Thanh Hóa: 14.
Doanh nghiệp KH&CN được cấp Giấy chứng nhận tập trung ở 7 lĩnh vực công nghệ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BKHCN-BTC-BNV hướng dẫn thực hiện Nghị định số 80/2007/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN, trong đó chủ yếu là: Công nghệ sinh học: 47%, công nghệ tự động hóa: 16,7%, công nghệ vật liệu mới: 14,05%. Đa phần các doanh nghiệp đều sử dụng những kết quả KH&CN không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước (do doanh nghiệp tự nghiên cứu hoặc nhận chuyển giao) để đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
Trong số 250 doanh nghiệp KH&CN đã được cấp Giấy chứng nhận chỉ có có 1 doanh nghiệp giải thể, 7 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 3 doanh nghiệp đã thu hồi giấy chứng nhận (do chuyển hoạt động sản xuất, kinh doanh sang địa bàn khác và không hoạt động trong lĩnh vực đăng ký), còn hầu hết đều đang phát triển tốt.
Bên cạnh một số thành công nhất định, trong thực tiễn triển khai và áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật về doanh nghiệp KH&CN cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nhiều nội dung cũng không còn phù hợp với Luật KH&CN năm 2013, cụ thể:
- Quy định về điều kiện và hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN còn phức tạp và gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong việc chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu KH&CN, cũng như doanh nghiệp phải giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ công nghệ.
- Điều kiện hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp KH&CN chưa hợp lý và bất cập so với điều kiện thực tiễn của doanh nghiệp: Doanh nghiệp rất khó có thể đạt được điều kiện doanh thu của các sản phẩm, hàng hoá hình thành từ kết quả KH&CN trong năm thứ nhất từ 30% tổng doanh thu trở lên, năm thứ hai từ 50% tổng doanh thu trở lên và năm thứ ba trở đi từ 70% tổng doanh thu trở lên để được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Chính sách ưu đãi về tín dụng và một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác (chính sách hỗ trợ thương mại hóa, ưu đãi sử dụng thiết bị phòng thí nghiệm...) đối với doanh nghiệp KH&CN còn chung chung, chưa có tiêu chí và mức hỗ trợ rõ ràng nên chưa được triển khai, áp dụng trong thực tiễn.
- Một số chính sách ưu đãi vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể như chính sách miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với doanh nghiệp KH&CN; chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, dẫn tới doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được với các chính sách ưu đãi đó hoặc tiếp cận rất khó khăn, doanh nghiệp không mặn mà với việc trở thành doanh nghiệp KH&CN nữa.
Đề xuất các nội dung cần thay thế
Những hạn chế trong các văn bản quy phạm pháp luật trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển doanh nghiệp KH&CN. Số lượng doanh nghiệp được chứng nhận sau 9 năm triển khai Nghị định số 80/2007/NĐ-CP còn khá khiêm tốn. Con số này còn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 5.000 doanh nghiệp KH&CN đến năm 2020 trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012. Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN đang xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 80/2007/NĐ-CP và Nghị định số 96/2010/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN, với những điểm mới chính như sau:
Về điều kiện và thủ tục, hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH&CN
Điều kiện về các yếu tố xác định kết quả KH&CN:
- Cụ thể hơn các yếu tố xác định kết quả KH&CN và mở rộng thêm một số yếu tố như: Giống cây trồng, giống vật nuôi đã được khảo nghiệm và công nhận chính thức; kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đạt được các giải thưởng trong nước và quốc tế về KH&CN; kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng ngân sách nhà nước đã được đánh giá.
- Mở rộng các lĩnh vực được chứng nhận doanh nghiệp KH&CN: Quy định tất cả các lĩnh vực đều có thể được chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN.

alt

Điều kiện để được chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN:
-    Về điều kiện quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp kết quả KH&CN: Ngoài các văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ, quyết định giao quyền…, doanh nghiệp có thể tự cam kết về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với kết quả KH&CN, đồng thời thông tin về quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả KH&CN sẽ được đăng tải công khai trên cổng thông tin doanh KH&CN và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Nếu như bị xác định có vi phạm về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trí tuệ, doanh nghiệp sẽ bị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN và bị truy thu toàn bộ các ưu đãi mà doanh nghiệp đã được hưởng.
Ngoài ra, trường hợp kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra do Nhà nước cấp một phần kinh phí để nghiên cứu hoặc nhận chuyển giao, doanh nghiệp được quyền sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đó để đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN mà không phải thực hiện thủ tục giao quyền.
- Điều kiện về năng lực thực hiện nhiệm vụ KH&CN của doanh nghiệp được thể hiện qua kết quả KH&CN đã được đánh giá, công nhận và thực hiện chuyển giao công nghệ hoặc trực tiếp ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh trên cơ sở kết quả KH&CN đó.
- Điều kiện về khả năng tạo ra doanh thu từ sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN của doanh nghiệp được thể hiện trong thực tế hoặc thông qua phương án sản xuất, kinh doanh. Sau 5 năm, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được tỷ lệ doanh thu tối thiểu sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
Hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH&CN:
- Đơn giản hóa việc giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ công nghệ theo quy định cũ thành:
+ Trường hợp công nghệ do doanh nghiệp tự nghiên cứu: Doanh nghiệp chỉ cần đính kèm bản sao văn bản đánh giá, công nhận kết quả KH&CN do cơ quan có thẩm quyền cấp.
+ Trường hợp công nghệ do doanh nghiệp nhận chuyển giao: Doanh nghiệp cần trình bày thêm phương án tiếp nhận, vận hành, ứng dụng và phương án làm chủ công nghệ hoặc phát triển, cải tiến công nghệ đã nhận chuyển giao qua tính mới, tính cải tiến của sản phẩm hình thành từ công nghệ đã nhận chuyển giao.
- Chi nhánh hạch toán độc lập của doanh nghiệp hoạt động với mô hình và pháp lý gần tương đương với một doanh nghiệp. Do vậy, nếu đáp ứng đủ điều kiện chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cũng được phép làm hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.
Về nội dung liên quan đến việc chứng nhận doanh nghiệp KH&CN
Về thẩm quyền cấp, cấp thay đổi nội dung, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN : Để tạo điều kiện thuận lợi và rút ngắn thời gian chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, Dự thảo đã bổ sung thêm thẩm quyền của Bộ KH&CN trong một số trường hợp đặc biệt như: Kết quả KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ KH&CN có thẩm quyền giao quyền sở hữu, quyền sử dụng; Tổ chức KH&CN công lập đã đăng ký hoạt động KH&CN tại Bộ KH&CN; Sở KH&CN không đủ điều kiện cần thiết để thẩm định hồ sơ; Doanh nghiệp có chi nhánh, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Về thẩm định hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH&CN : Quy định trường hợp hồ sơ có nội dung phức tạp mới thuê chuyên gia tư vấn độc lập hoặc thành lập hội đồng tư vấn KH&CN để giúp thẩm định hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Các trường hợp đơn giản khác không lập hội đồng để đơn giản hóa và rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp. Rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận từ 30 ngày xuống còn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp.
Quy định lồng ghép hai thủ tục hành chính : Thủ tục đánh giá, xác nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng ngân sách nhà nước và thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước đồng thời với đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN được quy định lồng ghép, doanh nghiệp có thể đồng thời thực hiện 1 hồ sơ cho 2 thủ tục. Qua đó đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp. Ví dụ, nếu doanh nghiệp thực hiện thủ tục đánh giá, xác nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng ngân sách nhà nước và chứng nhận doanh nghiệp KH&CN tách rời thì sẽ mất tối đa 75 ngày (45 ngày cho việc đánh giá, xác nhận kết quả KH&CN và 30 ngày cho việc chứng nhận doanh nghiệp KH&CN trong trường hợp phức tạp). Nếu gộp 2 thủ tục này thì doanh nghiệp mất tối đa là 45 ngày.
Nội dung ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp KH&CN
Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp: Đề xuất quy định hai trường hợp:
- Trường hợp doanh thu từ các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN đạt tỷ lệ theo quy định, doanh nghiệp được miễn thuế, giảm thuế, áp dụng thuế suất ưu đãi đối với tổng thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.
- Trường hợp doanh thu từ các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN không đạt tỷ lệ quy định, doanh nghiệp được miễn thuế, giảm thuế, áp dụng thuế suất ưu đãi đối với thu nhập chịu thuế từ các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN.
Ưu đãi tiền thuê đất, thuê mặt nước: Đề xuất bổ sung quy định về thẩm quyền, thủ tục xác nhận diện tích đất sử dụng cho hoạt động KH&CN: Giao Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và cơ quan thuế.
Đề xuất bổ sung quy định về miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất sử dụng cho mục đích ứng dụng kết quả KH&CN của doanh nghiệp KH&CN. Đề xuất này đảm bảo sự phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2013 và bổ sung thêm quy định của Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Ưu đãi tín dụng : Đề xuất quy định cụ thể về dự án của doanh nghiệp KH&CN được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước (đề xuất bổ sung đồng thời vào dự thảo Nghị định mới về tín dụng đầu tư và dự thảo Nghị định về doanh nghiệp KH&CN).
Đề xuất quy định cụ thể các hình thức hỗ trợ của các Quỹ phát triển KH&CN của Nhà nước đối với doanh nghiệp KH&CN:
- Đối với các doanh nghiệp KH&CN có tài sản bảo đảm, Quỹ cho vay ưu đãi hoặc hỗ trợ lãi suất vay tối thiểu 50% lãi suất vay vốn tại ngân hàng thương mại thực hiện cho vay.
- Đối với các doanh nghiệp KH&CN không có tài sản bảo đảm, Quỹ thực hiện cho vay ưu đãi hoặc bảo lãnh để vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Trường hợp không có tài sản bảo đảm nhưng doanh nghiệp KH&CN chứng minh được năng lực thực hiện nhiệm vụ KH&CN và đề xuất của doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về tính khả thi, sự cần thiết thì vẫn được các Quỹ KH&CN hỗ trợ.
Ưu đãi sử dụng kết quả KH&CN hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước : Doanh nghiệp KH&CN được quyền sở hữu kết quả KH&CN hình thành từ nhiệm vụ KH&CN do Nhà nước hỗ trợ/hoặc đầu tư 100% kinh phí thực hiện trong trường hợp doanh nghiệp là tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Đối với hai trường hợp này, doanh nghiệp KH&CN không phải thực hiện thủ tục giao quyền và được hưởng toàn bộ khoản lợi nhuận sau thuế (sau khi đã trả cho tác giả) để đầu tư cho hoạt động KH&CN.
Hỗ trợ thương mại hóa kết quả KH&CN : Đề xuất bổ sung thêm quy định về trách nhiệm đưa vào kế hoạch hàng năm xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của các bộ/ngành (đối với những sản phẩm của doanh nghiệp KH&CN mà yêu cầu bắt buộc phải có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định) nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN nhanh chóng đưa được sản phẩm KH&CN mới ra thị trường.
Tóm lại, với tinh thần xuyên suốt trong quá trình xây dựng Dự thảo được xác định là: Thiết kế nên các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp KH&CN có tính khả thi cao; không chồng chéo; giảm tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ tối đa việc hình thành và phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN. Chúng ta tin tưởng rằng, nếu các chính sách này được thực hiện sẽ có tác động tích cực, lan tỏa tới cộng đồng doanh nghiệp trong việc đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, từ đó góp phần phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN của Việt Nam cả về số lượng và chất lượng.

Theo http://khoahocvacongnghevietnam.com.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận