00:37 | 11-08-2022

Phân công rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực hiện đề án dữ liệu dân cư

Sáng 9/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải - Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hồng Phong - Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh. Tham dự có các lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Đề án 06

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Đề án 06 với 7 quan điểm chỉ đạo, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với lộ trình triển khai cụ thể.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đề án 06 có ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp, nhằm cụ thể hóa chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần cải cách thủ tục hành chính và giúp người dân thuận tiện nhất khi thực hiện thủ tục thông qua môi trường số, chuyển từ thói quen dùng giấy tờ, đến trụ sở cơ quan nhà nước sang làm thủ tục tại bất kỳ nơi nào qua môi trường mạng.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hồng Phong chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh .

Theo báo cáo của Tổ Công tác triển khai Đề án 06, đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành 21/89 nhiệm vụ; các địa phương hoàn thành 4/13 nhiệm vụ và 1/8 nhiệm vụ cụ thể của Đề án 06 đề ra.

Thể chế phục vụ cho việc thực hiện đề án đang được tập trung hoàn thiện. Các bộ, ngành đã rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành mới nhiều văn bản liên quan. Bộ Công an đã chủ trì phối hợp xây dựng nhiều dự thảo quan trọng như: Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân…

Đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Đến nay, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành, đưa 21/25 dịch vụ thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử, đạt kết quả tích cực. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã mang lại nhiều tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp. Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với cơ sở dữ liệu của 11 bộ, ngành và 14 địa phương.

Đối với việc đẩy mạnh ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, tài khoản định danh điện tử, Bộ Công an đã công bố hệ thống Định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức, là một bước tiến quan trọng, đưa Việt Nam là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia. Đồng thời, nghiên cứu triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước gắn chíp điện tử như tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm, xác thực danh tính qua thẻ căn cước công dân ở các quầy giao dịch ngân hàng…

Đặc biệt, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã phối hợp, tiến hành kiểm tra an ninh, an toàn thông tin của 20 bộ, ngành và 61/63 địa phương. Các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương khắc phục, đến nay cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về an ninh, an toàn khi kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều hình thức tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện các nội dung của Đề án 06, nhất là việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc báo cáo tại hội nghị (Ảnh VGP).

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương đã giành phần lớn thời gian tập trung đánh giá các nhiệm vụ được triển khai trong thời gian qua, kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn có khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách... Theo đó, hiện nay, tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Hạ tầng đảm bảo an ninh, an toàn còn hạn chế, nhiều địa phương chưa thể kết nối với cơ sở dữ liệu Quốc gia. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng đầy đủ, khó khăn trong làm chủ phần mềm, công nghệ. Đồng thời, các đại biểu cũng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án trong thời gian tới.

Hành động quyết liệt thực hiện Đề án 06

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu thảo luận, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những nỗ lực trong việc thực hiện Đề án 06 thời gian qua. Đề án đã đạt nhiều kết quả tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đây mới là kết quả bước đầu, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết, vì vậy, đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, cần liên tục đổi mới, có tầm nhìn chiến lược để vừa triển khai nhiệm vụ trước mắt vừa hướng đến lâu dài, không lãng phí nguồn lực. Việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia nói chung, Đề án 06 nói riêng không phải nhiệm vụ riêng lẻ của bộ, ngành, địa phương nào, mà cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia và hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại hội nghị (Ảnh VGP).

Đặc biệt, cần phải xây dựng được hệ sinh thái công dân số để người dân, doanh nghiệp hiểu và sử dụng, là bộ phân không thể tách rời khỏi đời sống xã hội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm tạo sự lan tỏa của chuyển đổi số, sử dụng dịch vụ công trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp; đẩy mạnh chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, tập trung thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu mức độ 3,4…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và các địa phương và đề nghị phải thống nhất nhận thức, hành động để đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 trong thời gian tới, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Tại Hội nghị này, Thủ tướng chính thức công bố ứng dụng VneID là ứng dụng công dân số quốc gia. Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có lộ trình để đưa các tiện ích thiết yếu lên ứng dụng này, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để người dân luôn tin tưởng, sử dụng.

Phân công rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực hiện đề án dữ liệu dân cư

Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cho biết: Hà Tĩnh là 1 trong 14 địa phương kết nối chính thức với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; 6 sở, ngành đã khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết hồ sơ trên Công dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Công an tỉnh đã thu thập và cập nhật vào hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư hơn 1,5 triệu dữ liệu đạt tỷ lệ 100%...

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương rà soát lại các nhiệm vụ được giao, phân công rõ trách nhiệm cho các tập thể, cá nhân trong triển khai, thực hiện để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án theo đúng lộ trình đề ra; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhất là về lợi ích thiết thực của việc giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, 4.

Công an tỉnh phối hợp các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm các giải pháp về dữ liệu dân cư đảm bảo dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống”. Các sở, ngành liên quan như: Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông… tập trung thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của đề án trong phạm vi của ngành; sớm tổ chức thành lập 3 đoàn công tác của tỉnh để tiến hành kiểm tra việc thực hiện đề án tại các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

Theo BHT

Link gốc: https://baohatinh.vn/chinh-tri/phan-cong-ro-trach-nhiem-cua-tap-the-ca-nhan-trong-thuc-hien-de-an-du-lieu-dan-cu/235903.htm

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận