Trong Quyết định 829 ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0) mới đây, Bộ Thông tin - Truyền thông nêu rõ mục đích xây dựng khung tham chiếu này là để làm căn cứ cho việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam tuân thủ các nguyên tắc phát triển đô thị thông minh.
Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh hướng tới việc xác định một tập các thành phần logic và các chức năng của chúng để có thể giúp các đô thị xây dựng Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh cho riêng mình, bảo đảm sự đồng bộ trong việc lập kế hoạch, lộ trình thực hiện phát triển đô thị thông minh.
Trong Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh cũng nêu rõ một số lĩnh vực, dịch vụ ưu tiên phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Cụ thể, trong danh mục Quản lý đô thị thông minh, lĩnh vực được ưu tiên gồm Nhà thông minh, Quản lý và sử dụng đất, Quản lý quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Đặc biệt, trong Quyết định 829 đưa ra có ưu tiên lĩnh vực Thu gom và xử lý rác thải thông minh. Cụ thể, danh mục này nhấn mạnh việc ủng hộ tái chế và tái sử dụng các sản phẩm nhằm mục đích chuyển đổi rác thải thành các tài nguyên và tạo thành một vòng lặp để tăng hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân tham gia việc bảo vệ vệ sinh thành phố; nâng cao hiệu quả của việc thu gom rác; cải thiện quy trình xử lý chất thải.
Trong tiểu mục Thu thập rác, văn bản nêu rõ các hệ thống lên lịch trình thu gom rác (dựa trên các cảm biến và các thiết bị GPS); các hệ thống tự động thu gom rác nhằm tối ưu lịch trình và các tuyến thu gom rác; đồng thời giảm nhân lực trong việc thu gom rác.
Ở tiểu mục Xử lý chất thải, có các hệ thống quản lý bãi rác, kiểm soát sự ô nhiễm nhằm đánh giá các sản phẩm năng lượng tạo ra từ rác thải; cho phép quản lý bãi rác thông minh; giảm mức độ ô nhiễm tại các bãi rác…
Ngoài ra, một số lĩnh vực, dịch vụ ưu tiên phát triển đô thị thông minh được Bộ TT-TT nêu trong Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh bao gồm Lưới điện thông minh – Chiếu sáng thông minh; Giao thông thông minh; Giáo dục thông minh; Y tế thông minh; Hệ thống cảnh báo sớm phòng chống tội phạm; Hệ thống cảnh báo rủi ro, thiên tai; Giám sát môi trường thông minh.
Bộ TT-TT giao Cục Tin học hóa phổ biến, hướng dẫn thực hiện các nội dung, tổ chức kiểm tra việc tuân thủ các quy định của văn bản này; tham mưu cho Bộ TT-TT xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo UBND các đô thị trực thuộc nghiên cứu, phát triển đô thị thông minh tuân thủ Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh.
Sở TT-TT có trách nhiệm xây dựng Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh của địa phương mình, trình Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ban hành sau khi có ý kiến góp ý của Bộ TT-TT (Cục Tin học hóa). Bên cạnh đó, Sở TT-TT các tỉnh, thành phố có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn thực hiện các nội dung của văn bản cho các tổ chức, cá nhân tại địa phương; triển khai các nhiệm vụ đã được quy định tại Quyết định 829.