00:42 | 05-07-2021

Sau đại dịch Covid-19? Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?

Những thách thức từ COVID-19
Tính đến thời điểm này, chiến dịch tiêm chủng ở nhiều nước đang phát huy hiệu quả, khiến cho các dự báo về sự tăng trưởng của kinh tế thế giới nửa cuối năm 2021 đầu năm 2022 sáng sủa hơn: tăng trưởng toàn cầu đạt khoảng 5.6% nếu theo dự báo của World Bank còn Quỹ tiền tệ quốc tế IMS thì đưa ra mức 6% cho năm 2021 và 4.4% vào năm 2022. Điều này được cho là kết quả của kiểm soát dịch bệnh và chính sách hỗ trợ tài chính bổ sung của nền kinh tế lớn đã phát huy hiệu quả. Dù bức tranh toàn cảnh đã có phần khởi sắc nhưng tất cả các doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có cả doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với những vấn đề chung. Đó là ảnh hưởng của sự đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí nguyên liệu, logistics tăng cao.
Bất chấp dịch COVID-19, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông vẫn có tăng trưởng dương nhờ vào việc áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để tăng năng suất, giảm chi phí. Ảnh: laodong.vn
Tại buổi Hội thảo Hậu COVID - Sự chuẩn bị của Doanh nghiệp Việt Nam do Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế (ĐH Ngoại thương) tổ chức, bà Nguyễn Thị Thùy Vinh – Viện Phát triển Nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản trường ĐH Ngoại thương (VJCC) cho rằng, COVID-19 đã tạo ra sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu khi Trung Quốc tiến hành các biện pháp đóng cửa, phong tỏa nhà máy, hạn chế đi lại… Điều này gây ra sự sụt giảm mạnh về thương mại với những ngành có liên kết phức tạp, đặc biệt trong ngành dệt may, điện tử.
Đồng ý với ý kiến này, ông Phan Chí Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị kinh doanh, trường ĐH Kinh tế -ĐH Quốc gia Hà Nội bổ sung thêm về tình trạng chi phí tăng lên khi nguyên liệu khan hiếm, giá logistic cũng bị ảnh hưởng bởi giá dầu mỏ, thiếu container…. khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. “Tâm lý của các doanh nghiệp vẫn hoang mang, bởi không biết thị trường sẽ diễn biến thế nào, lên hay xuống khi chính đối tác, nhà cung cấp hay khách hàng của họ cũng đều trong tình trạng các bất trắc”, ông chỉ ra.
Thách thức là vậy nhưng trong “nguy vẫn luôn có cơ”. COVID-19 có thể làm doanh nghiệp khó khăn hơn nhưng lại mở ra những những ngành mới, thậm chí tạo ra cả một lượng khách hàng mới. Điều này được chứng minh qua báo cáo của Google về thị trường Việt Nam năm 2020: người dân ở nhà nhiều hơn và theo đó họ được xây dựng những thói quen mới hơn, nhất là việc mua sắm online. Một lớp người tiêu dùng mới đã được hình thành. Bằng chứng là trong năm 2020, Việt Nam đã có hơn 40% người dùng mới trên internet. Khi được khảo sát, nhóm này khẳng định sẽ duy trì thói quen kể cả khi dịch kết thúc.
Không chỉ có thêm người dùng mới, những hành vi mới cũng đã xuất hiện. Theo ông Duy Vũ – Industry Manager - Google Asia – Pacific, nếu như trước kia, người ta chỉ dùng Google để tra cứu thông tin khi mua sắm thời trang, đồ điện tử thì giờ đây, hầu như trong ngành nào người tiêu dùng Việt cũng có thói quen tham khảo thông tin từ internet trước khi quyết định mua sắm. Khảo sát của Google năm 2020 cho thấy, 83% người dùng sử dụng các kênh online để nghiên cứu trước khi mua sản phẩm và trên 60% người được khảo sát cho biết, dù mua ở cửa hàng vật lý họ cũng nghiên cứu online trước. Bởi vậy, Việt Nam được dự đoán sẽ là thị trường trọng điểm của kinh tế số tại Đông Nam Á với mức tăng trưởng trung bình 19%/năm, từ đây đến năm 2025.
Ba yếu tố nằm lòng cho doanh nghiệp hậu COVID
Trước những thách thức và cả thời cơ mà COVID-19 mang lại, theo ông Phan Chí Anh, doanh nghiệp muốn sống sót phải giữ được ba thứ là “giữ khách, giữ được nhân viên (người tài giỏi, thành phần cốt cán hiểu khách hàng) và giữ được đối tác (nhà cung cấp, nhà phân phối). Đây chắc chắn là bài toán khó với doanh nghiệp nhưng được các chuyên gia nhận định rằng phải làm nếu muốn tồn tại ở thế giới hậu COVID.
Một trong những cơ hội lớn nhất cho doanh nghiệp trong xã hội không tiếp xúc là thúc đẩy bán hàng online. Giờ đây, chuyển đổi số đã không còn là trào lưu hay xu hướng mà là giải pháp sống còn cho doanh nghiệp. Đại diện Google khuyên rằng, cần xây dựng một doanh nghiệp online và mang sản phẩm đến với mọi người bằng cách tạo ra các website để đưa lên các kênh tìm kiếm như Google Map.
Ông Duy Vũ cho biết, năm 2020 Rạng Đông được xem là một doanh nghiệp đã tích cực chuyển mình khi đã làm rất tốt việc đưa địa điểm, thông tin các cửa hàng bán sản phẩm của doanh nghiệp này lên Google Map qua công cụ Google Mind Business. Khi đó, chỉ cần khách hàng tìm kiếm các từ khóa liên quan đến Rạng Đông hay các sản phẩm mà doanh nghiệp đang cung cấp, Google sẽ trả về kết quả các cửa hàng có bán cùng với số điện thoại và hướng dẫn đường đi.
Sự chuyển mình của Rạng Đông được xem là minh chứng cho thấy, COVID-19 đã khiến “linh hoạt” trở thành năng lực đầu tiên mà doanh nghiệp cần phải có. Nghĩa là dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng có thể đáp ứng được yêu cầu khách hàng.
Dưới góc nhìn của một nhà kinh tế, ông Phan Chí Anh cho rằng, cùng với chuyển đổi số, chất lượng là câu chuyện cốt lõi. Chỉ khi chất lượng được đảm bảo, doanh nghiệp mới có được năng lực linh hoạt trong thị trường đầy bất trắc, thường xuyên thay đổi. Khi tất cả các khâu đều được đảm bảo doanh nghiệp mới có thể tối ưu chi phí, dẫn đến giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh. Để làm được những điều đó, đại diện của ĐH Kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp nên coi Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000 như nền móng. Dù có không ít doanh nghiệp than phiền rằng thủ tục áp dụng rườm rà, không sát thực tế, nhưng theo ông Chí Anh, điều này có thể đến từ việc các doanh nghiệp áp dụng máy móc và chưa biết kết hợp với các tiêu chuẩn hiện đại khác. “Trên thế giới, ISO 9000 vẫn được coi là hồn cốt của các doanh nghiệp và tôi cho rằng chưa gì có thể thay thế nó” – ông Chí Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của Tổ chức chất lượng Mỹ thực hiện năm 2020 trên 4000 chuyên gia về chất lượng đến từ các trường đại học và doanh nghiệp cùng với kết quả điều tra của 2000 doanh nghiệp cũng cho thấy, vai trò của việc lãnh đạo chất lượng đang ngày càng được nhấn mạnh. Các doanh nghiệp thế giới đang dịch chuyển từ tối ưu hóa hiệu suất sang nâng cao năng lực thích nghi. Để làm được điều đó, dữ liệu lớn được xem là nền tảng căn bản để người lãnh đạo phân tích, tìm ra vấn đề và đưa ra quyết định chính xác, kịp thời. “Chất lượng đồng nghĩa với dữ liệu, không có dữ liệu không có chất lượng” – ông Chí Anh chỉ ra.
Theo: khoahocphattrien.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận