Nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập và sự phát triển của Hà Tĩnh, việc triển khai một cách có hệ thống và đồng bộ hoạt động phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, ngành hàng chủ yếu là hết sức cần thiết. Việc thực hiện đề án nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa, góp phần mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người sản xuất và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đảm bảo sự chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện: Cần có những tính toán cụ thể, xây dựng được mục tiêu chung cho từng loại hình sản phẩm... |
Theo dự thảo, đề án hướng đến mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của Hà Tĩnh thông qua việc hỗ trợ, tạo lập, quản lý, bảo vệ phát triển tài sản trí tuệ. Trong đó ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc sản, làng nghề, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu và dịch vụ gắn với quảng bá hình ảnh Hà Tĩnh. Phát triển ứng dụng KHCN, phong trào lao động sáng tạo, hỗ trợ các sáng kiến có hiệu quả được ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Xây dựng và phát triển một số thương hiệu mạnh của Hà Tĩnh nhằm nâng cao vị thế và sức cạnh tranh cho các sản phẩm của địa phương.
Đại biểu Sở NN&PTNT: Đề án có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp. |
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020 xây dựng và phát triển 3-5 chỉ dẫn địa lý, 15-20 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc sản, làng nghề của tỉnh; tối thiểu 3-5 sản phẩm là thương hiệu quốc gia. Đáp ứng 100% các địa phương, doanh nghiệp có nhu cầu được hỗ trợ xây dựng, bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ. Đảm bảo tất cả các sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề đều được hỗ trợ xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, bao bì, nhãn mác và quảng bá. Đáp ứng 70% các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc sản và làng nghề đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu hình thành hệ thống quản lý, phát triển tài sản trí tuệ. Đáp ứng 70% yêu cầu hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác các sáng chế, giải pháp hữu ích; phát triển, ứng dụng nhân rộng các sáng kiến, có hiệu quả. Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 90 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Văn Lượng: Cần nâng cao hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp trong đề án. |
Tại cuộc họp, các đại biểu cho rằng, mục tiêu của đề án vẫn còn khá khiêm tốn, cần phải tăng số lượng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho các sản phẩm. Đề án vẫn đang tập trung vào các sản phẩm trí tuệ hữu hình, cần quan tâm hơn đến các sản phẩm trí tuệ vô hình. Quan tâm hơn nữa các giải pháp quản lý, xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ. Bổ sung cụ thể nhiệm vụ của từng đơn vị, sở ngành để thực hiện đề án. Nâng cao hơn nữa vai trò của doanh nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện yêu cầu các sở, ngành, đơn vị tiếp tục dành thời gian góp ý để đề án thiết thực hơn, giúp Sở KH&CN sớm hoàn thiện đề án. Đặc biệt, các địa phương phải khảo sát, xác định để đề xuất các loại hình sản phẩm cần bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Đại biểu huyện Thạch Hà cho rằng, mục tiêu của đề án vẫn còn khá khiêm tốn |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Sở KH&CN tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để bổ sung và sớm hoàn chỉnh đề án; có những tính toán cụ thể, xây dựng được mục tiêu chung cho từng loại hình sản phẩm; soát xét lại, đặt ra các mục tiêu cao hơn tương xứng với tầm quan trọng của đề án; sắp xếp lại các phần, mục tránh sự trùng lặp trong nội dung đề án; có phương án lồng ghép, tận dụng các nguồn lực thực hiện.
Cần phân rõ trách nhiệm cho từng sở, ngành, đồng thời nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các địa phương trong việc phát triển tài sản trí tuệ.
Dương Chiến