03:05 | 09-08-2016

Tạo ra thức ăn sinh học cho chăn nuôi lợn sạch

Sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu tự nhiên

Là người có am hiểu về lĩnh vực chăn nuôi, có tâm huyết với nghề, anh Đậu đã trải qua nhiều năm miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm thức ăn sinh học cho lợn và đã gặt hái được những thành công nhất định.

“Chính từ việc chăn nuôi bằng cám công nghiệp làm cho môi trường bị ô nhiễm quá lớn. Hơn nữa, thức ăn công nghiệp hiện nay còn nhiều nhược điểm chưa thể hoàn toàn khắc phục được. Ví dụ tăng trưởng nhanh, nhưng chất lượng thịt không được như mong muốn, như: có mùi hôi, nhiều nước và vấn đề lạm dụng thuốc kháng sinh để phòng trừ bệnh cho vật nuôi. Chính vì vậy, mình đã nảy ra ý tưởng tạo ra loại thức ăn tốt hơn trong việc chăn nuôi”, anh Đậu kể.

Có thể nói, không giống như những loại cám thông thường, loại cám mà anh Đậu sáng chế ra được làm từ bột gạo, bột đậu tương và 6 loại thảo dược. Nhờ loại kháng sinh tự nhiên có trong các loại thảo dược này mà lợn anh Đậu nuôi đã kháng được những bệnh thường gặp trong chăn nuôi lợn. Bên cạnh đó, giá thành của loại thức ăn sinh học của anh Đậu cũng chỉ tương đương với cám chăn nuôi được bán ngoài thị trường. Công thức đặc biệt này đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc công nhận kết quả nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 919 “Thức ăn sinh học dùng để chăn nuôi lợn” vào năm 2011.

Trong công thức của anh Đậu có đưa cây Kim ngân, cây Thổ phục linh, cây Nghệ nhằm nâng cao khả năng sinh trưởng. Theo anh Đậu, cây Kim ngân có tác dụng phòng trừ bệnh theo dạng thảo dược tốt hơn so với thuốc tây, nâng cao độ miễn dịch tự nhiên đối với bệnh cho vật nuôi. Và không dừng lại ở chăn nuôi hộ gia đình, anh Đậu đang ấp ủ nhân rộng mô hình của mình để nhiều người dân được ăn thịt lợn sạch không có kháng sinh hay chất cấm.

Trước đây, những loại thảo dược dùng để làm thức ăn cho lợn được tận dụng trong tự nhiên. Tuy nhiên, để giảm bớt giá thành và có nguồn nguyên liệu ổn định, anh Đậu tự tìm tòi, nhân giống thảo dược và chuyển giao kỹ thuật cho những người dân khác. Như hộ gia đình anh Đỗ Văn Thông, tại Thị xã Phúc Yên được anh Đậu chuyển giao kỹ thuật, cho rằng: “các loại thảo dược được trồng để làm thức ăn đều là những loại cây tự nhiên. Mình đưa về trồng thì cũng không yêu cầu phải có kỹ thuật cao cấp, cần thuốc hay hóa chất gì, chỉ tưới bằng phân chuồng và tưới tiêu đầy đủ, sau một năm trồng thì có thể thu hoạch”.

Anh Tạ Hùng Đậu với thức ăn sinh học dành cho chăn nuôi lợn sạch (ảnh tác giả cung cấp)

Không dừng lại ở đó, với mong muốn kết quả nghiên cứu của mình phải được nhân rộng, phát triển thành sản phẩm thực tiễn trên thị trường, từ khâu sản xuất thức ăn, chăn nuôi, cho đến sản phẩm thịt lợn được chế biến và cung cấp ra thị trường. Năm 2011, với sự hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thông qua Dự án “Áp dụng giải pháp hữu ích để sản xuất thức ăn sinh học phục vụ việc chăn nuôi lợn” theo văn bằng bảo hộ số 919, cấp ngày 07/10/2011. Anh Tạ Hùng Đậu đã đồng ý cho phép Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Sinh học Thành Công, Thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc sử dụng sản phẩm của mình để sản xuất thức ăn sinh học, chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học, nhằm khẳng định thêm giá trị thực tiễn của kết quả nghiên cứu và phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Thức ăn chăn nuôi lợn do Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Sinh học Thành Công sản xuất đã được Trung tâm Chứng nhận hợp quy (QUACERT) cấp giấy chứng nhận số: 0935 từ ngày 09/09/2014 đến ngày 08/09/2017. Bên cạnh đó, tháng 10/2014, Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Sinh học Thành Công cùng với tác giả Tạ Hùng Đậu đã tham gia “Lễ ký kết tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị liên kết sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Giúp cải thiện môi trường chăn nuôi

Hiện nay, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi là việc làm bức thiết. Nhất là với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hay trang trại hộ gia đình. Với thức ăn sinh học của anh Đậu, vấn đề ô nhiễm môi trường đã dần được giải quyết. Đơn cử như mô hình trang trại nuôi lợn của gia đình anh Dương Văn Hanh ở Sóc Sơn, Hà Nội. Ngoài việc phải đối mặt với tình trạng giá cả thức ăn chăn nuôi tăng cao, sản phẩm chưa đáp ứng được tiêu chuẩn sạch theo nhu cầu của thị trường, nhiều vấn đề phát sinh về môi trường trong chăn nuôi. Do đó, gia đình anh đã chuyển sang dùng thức ăn sinh học của anh Tạ Hùng Đậu, với phương pháp chăn nuôi mới được đánh giá khá là hiệu quả về cả chất lượng sản phẩm lẫn hiệu quả kinh tế.

Sau một thời gian dùng thức ăn sinh học trong chăn nuôi lợn, anh Hanh cho hay, tôi đã chăn nuôi khoảng 10 năm nay, nhưng từ cuối năm 2015 đến nay dùng thức ăn sinh học của anh Đậu nhận thấy hiệu quả rất tốt. Về môi trường đảm bảo hơn so với trước kia dùng cám công nghiệp, không có mùi hôi thối của phân và nước tiểu. Chất lượng thịt được người tiêu dùng đánh giá cao hơn.

Qua phân tích mẫu thịt lợn nuôi bằng thức ăn sinh học và mẫu thịt lợn nuôi bằng thức ăn công nghiệp tại Viện Công nghiệp Thực phẩm Hà Nội cho thấy: Thịt lợn (nuôi bằng thức ăn sinh học) có chất lượng tốt hơn thịt lợn nuôi bằng thức ăn công nghiệp, 100% chỉ tiêu phân tích của thịt lợn nuôi bằng thức ăn sinh học đều đạt tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và tiêu chuẩn CODEX (TCVN: 7046- 2002 dựa trên nền tiêu chuẩn Quốc tế). Cụ thể, hàm lượng chì trong mẫu thịt lợn nuôi bằng thức ăn công nghiệp vượt TCVN cho phép gấp 50 lần, trong khi đó hàm lượng chì trong mẫu thịt lợn nuôi bằng thức ăn sinh học nhỏ hơn TCVN 49 lần (<0,01 - TCVN quy định là 0,50); các chỉ tiêu khác như: Asen, Cadimi, thuỷ ngân, Tetraciline trong mẫu thịt lợn nuôi bằng thức ăn sinh học đều nhỏ hơn hoặc bằng TCVN và tiêu chuẩn CODEX, trong mẫu thịt lợn nuôi bằng thức ăn công nghiệp có chứa Sulfadimidin và Tetracyline (là hai chất kháng sinh).

Về chất lượng môi trường, qua phân tích mẫu chất thải nuôi bằng thức ăn sinh học và mẫu chất thải nuôi bằng thức ăn công nghiệp tại Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi truờng tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, các chỉ tiêu như: Nhu cầu ô xy sinh hóa (BOD5), nhu cầu oxy hóa học (COD), Ecoli, tổng Colifrom của thức ăn sinh học đều thấp hơn của thức ăn công nghiệp.

Với những thành công đã đạt được, đến nay thức ăn sinh học cho lợn của anh Tạ Hùng Đậu đã được nhiều chủ hộ chăn nuôi tại tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh tiếp nhận, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng cung ứng hoặc liên kết sản xuất thức sinh học cho lợn như: Công ty Cổ phần Giống Vật Nuôi Hà Nội, với quy mô 400 con lợn nái sinh sản và 1.500 con lợn nuôi thịt thương phẩm; Tập đoàn Khoáng sản MITRACO - Hà Tĩnh, với quy mô trên 7.000 lợn nái sinh sản và trên 100.000 con lợn nuôi thịt thương phẩm.

Sản phẩm thịt lợn sạch được nuôi từ thức ăn sinh học đã và đang cung cấp tại một số thị trường của một số tỉnh, thành phố như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nội. Một số siêu thị đã bắt đầu thiết lập quan hệ sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm như: Siêu thị An Việt, Hải Dương Xanh tại Hà Nội. Có thể nói, trong tương lai không xa việc sử dụng thức ăn sinh học để chăn nuôi lợn sẽ là giải pháp hữu hiệu và phổ biến để tạo ra sản phẩm thịt lợn có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và cải tạo môi trường.

http://truyenthongkhoahoc.vn/

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận