Đảm bảo thời vụ tối ưu cho cây ngô khi đưa ra ruộng sản xuất. Không làm đất kết hợp với che phủ đất bằng rơm, rạ vụ lúa mùa. Kỹ thuật này cũng hướng dẫn bà con trồng ngô với mật độ cao (xung quanh 6 vạn cây/ha) và điều chỉnh lượng phân bón phù hợp. Đồng thời tưới tiêu nước tổng thể cho sản xuất ngô, dựa vào cơ sở hạ tầng thủy lợi cho sản xuất lúa nước. Quy trình kỹ thuật này được xây dựng dựa trên tổng hợp kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Lê Quốc Thanh, Trịnh Khắc Quang, Nguyễn Văn Tạo và Đàm Quang Minh (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) và các cộng sự. Bà con cần lưu ý, phạm vi áp dụng quy trình trong vụ đông trên đất 2 lúa các tỉnh phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra. Đối tượng áp dụng là ngô tẻ, ngô nếp và ngô làm thức ăn xanh. Theo PGS.TS Trịnh Khắc Quang, Q. GĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, diện tích ngô đông của Việt Nam đang có xu hướng giảm và cần phải có một gói kỹ thuật đồng bộ, hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất. Với quy trình kỹ thuật thâm canh ngô đông không làm đất trên đất 2 lúa, bà con có thể tiết kiệm đáng kể chi phí công làm đất. TS Lê Quốc Thanh, GĐ Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông cho biết, đây là quy trình cải tiến, tích hợp các quy trình cũ và bổ sung những tiến bộ mới. Với kỹ thuật gieo ngô trong bầu cải tiến (với giá thể tối ưu cho phát triển cây trồng), bà con hoàn toàn chủ động phần về thời vụ, thời tiết khi đưa cây con ra ruộng sản xuất. Năng suất ngô đạt từ 6 tấn/ha trở lên. Các bước thực hiện quy trình thâm canh ngô đông trên đất hai lúa như sau: Giống: - Sử dụng các giống ngô chín sớm đến chín trung bình đã được Bộ NN-PTNT công nhận từ mức sản xuất thử trở lên - Các giống ngô thực phẩm năng suất cao, chất lượng tốt. - Đối với những vùng sinh thái chịu áp lực cao về sâu đục thân, đục bắp, đục cờ và cỏ dại khuyến cáo sử dụng các giống ngô chuyển gen. Chọn đất: Chọn đất có điều kiện tưới tiêu chủ động, tập trung. Tốt nhất nên chọn chân đất vàn cao, vàn trung bình. Thời vụ: - Nguyên tắc chung, càng trồng ngô đông trên đất 2 lúa ra ruộng càng sớm càng tốt. - Đối với sản xuất ngô tẻ, áp dụng kỹ thuật làm bầu ngô, thời vụ vào bầu ngô phải trước 25/9 và đưa ra ruộng trồng trước 5/10. - Đối với ngô nếp, ngô làm thức ăn xanh, thời vụ gieo trồng có thể muộn hơn từ 10 - 15 ngày. Kỹ thuật làm bầu cải tiến: - Sử dụng khay xốp, khay nhựa 66 lỗ hoặc 88 lỗ để gieo hạt ngô. Khay có thể sử dụng được nhiều lần, nhiều năm. - Trước khi gieo, hạt ngô được xử lý chế phẩm Cruizer để tăng sức đề kháng của hạt, tăng tỷ lệ nảy mầm, tăng khả năng ra rễ, tăng cường khả năng kháng sâu bệnh trong giai đoạn đầu của cây con. - Chuẩn bị giá thể gieo hạt: dùng rơm rạ ủ mục đến tơi xốp (hoặc rơm rạ được nghiền kỹ) + phân Hữu cơ vi sinh + đất bột (đất màu, hoặc đất phù xa, phơi khô và được nghiền nhỏ, tơi) với tỷ lệ 1:1:3. Để sản xuất bầu ngô cho 1,0ha sản xuất (xung quanh 6,0 vạn bầu) cần 22,8kg giá thể + 228g NPK (5:10:13). - Đưa giá thể đầy vào khay, gieo hạt giống (không cần ngâm ủ) bằng tay vào các lỗ của khay. Khi gieo xong, lấy ngón tay ấn nhẹ hạt ngô để đảm bảo hạt hạt ngô lún sâu hơn so với bề mặt giá thể, sau đó lấy giá thể phủ lên bề mặt toàn bộ khay, đảm bảo toàn bộ hạt ngô trên khay được che phủ. - Chọn nơi có đủ ánh sáng cho cây con phát triển, gần ruộng trồng để giảm công vận chuyển cây bầu. - Chủ động che đậy cho cây con trong bầu để tránh tác động xấu khi trời mưa và nắng to, nhiệt độ ngoài trời vượt quá 40OC. - Chăm sóc cây bầu: Trong điều kiện thời tiết bình thường, tưới nước giữ ẩm thường xuyên cho bầu ngô 2 -3 lần trong ngày (sáng, trưa và chiều tối). Sau 5 - 10 ngày, khi cây ngô có 3 - 4 lá đưa ra ruộng trồng. Thời gian cây con trên bầu từ 5 - 10 ngày. - Trước khi đưa cây con ra ruộng cần phun phòng bệnh lở cổ rễ bằng thuốc Valydacin dạng nước cho cây.