01:24 | 29-09-2016

Tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo sẽ quyết định sự giàu có của các dân tộc

- Trên thế giới đã có một số quốc gia thành công trong việc áp dụng chương trình Đổi mới sáng tạo có thể kể đến như: Israel, Phần Lan, Ấn Độ… Vậy ông có thể chia sẻ kinh nghiệm từ những thành công đến từ các quốc gia này?

- Đúng vậy, có nhiều quốc gia trên thế giới là tấm gương sáng về đổi mới sáng tạo và vận dụng KH&CN. Bên cạnh nước đi đầu về KH&CN như Hoa Kỳ, nhiều nước khác không có tài nguyên thiên nhiên, nhưng có chính sách đúng đắn đã trở thành những nước hàng đầu về KH&CN. Ví dụ như Thuỵ Điển là nước đứng đầu về chỉ số kinh tế tri thức - KEI, Nhật Bản xếp thứ 22, Hàn Quốc xếp thứ 29. Trong đó, những kinh nghiệm của Israel, Phần Lan hay Ấn Độ là rất quý báu với Việt Nam.

Israel phổ biến “vi khuẩn khởi nghiệp” yêu cầu tất cả các sinh viên đại học chậm nhất đến năm thứ 2 phải lập doanh nghiệp để vận dụng những kiến thức học được tại nhà trường vào kinh doanh trong thực tế. Israel cũng phổ biến phương châm “chào đón sai lầm và thất bại”, coi thất bại, thua lỗ trong kinh doanh là sự vấp ngã bình thường, không phải ngày tận thế đối với doanh nhân, thay vì bị “ném đá”, chê bai, các doanh nghiệp ở Israel được sự hỗ trợ về tinh thần và vật chất để tái khởi nghiệp. Đối với họ, phá sản thực sự là một sự “tàn phá sáng tạo”. Chính vì vậy, Israel đã trở thành một cường quốc về công nghệ hiện đại trong nông nghiệp, công nghệ tưới từng giọt nước vào gốc cây đủ yêu cầu của cây trồng, không lãng phí một giọt nước nào, tạo ra những cây cà chua có đến 5.000 quả, có hiệu quả kinh tế và sinh học vượt xa các đối thủ cạnh tranh là những ví dụ mà chúng ta cần phải học tập.

Phần Lan là nước đi đầu về mô hình giáo dục đào tạo, với một nền giáo dục khuyến khích sự chủ động sáng tạo của học sinh, không hướng vào nhồi nhét kiến thức, không đánh giá học sinh qua học vẹt hoặc làm theo yêu cầu của giáo viên. Chính nguồn nhân lực chất lượng cao đã đem lại lợi thế cạnh tranh lớn cho nền kinh tế Phần Lan.

Ấn Độ là nước đi đầu về công nghệ thông tin, các trung tâm công nghệ lớn ở Hoa Kỳ có tỷ lệ các nhà khoa học Ấn Độ rất cao. Ấn Độ cũng đang vận dụng rất mạnh mẽ công nghệ người máy và trí thông minh nhân tạo.

Singapore hiện đang đi đầu để xây dựng một “quốc gia thông minh”, cho phép mỗi người dân ở bất cứ đâu, về bất cứ việc gì đều có thể tiếp cận với các cơ quan nhà nước để được trợ giúp và hướng dẫn. Singapore cũng nêu gương về trọng dụng nhân tài. Ông Lý Quang Diệu đã nêu nguyên tắc: Nếu như có bất kỳ ai trên thế giới chê bai, phê phán Singapore về việc gì, thì mời ngay người ấy sang Singapore để họ góp ý cho chúng ta. Chính bằng phương châm này, Singpore đã thu hút được rất nhiều nhân tài trên thế giới, rất nhanh nhạy trong đổi mới mô hình tăng trưởng, tiếp cận KH&CN hiện đại.

- Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đã thành công khi áp dụng đổi mới sáng tạo KH&CN, có thể kể đến như: gốm Minh Long; sữa Vinamilk; Doanh nghiệp cơ khí Bùi Văn Ngọ… và một số công ty về công nghệ thông tin. Vậy ông có thể cho biết yếu tố quyết định thành công đối với các doanh nghiệp cũng như bài học kinh nghiệm?

- Các doanh nghiệp vận dụng KH&CN thành công, như Gốm Minh Long, sữa Vinamilk, doanh nghiệp cơ khí Bùi Văn Ngọ, hay tập đoàn cơ khí Quang Trung… đã đem lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho vận dụng KH&CN vào thực tế ở Việt Nam.

Trước hết, các doanh nghiệp đó đều có chiến lược kinh doanh dài hạn, không kinh doanh chụp giật, không lạm dụng mối quan hệ để lách luật hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Lãnh đạo các doanh nghiệp đó có tinh thần đổi mới rất cao, chủ động phân tích thị trường, xác định rõ chỗ mạnh - yếu - cơ hội - thách thức để đi đến quyết định tập trung nguồn lực tài chính, trí tuệ, nguồn nhân lực vào đổi mới KH&CN. Các doanh nghiệp đó có quyết tâm rất cao, họ đã không chạy theo những cám dỗ trước mắt, mà kiên trì đầu tư vào KH&CN. Các doanh nghiệp đó đều trọng dụng nhân tài một cách chân thành, họ đã thành công trong việc mời các nhà khoa học trong và ngoài nước hợp tác có hiệu quả.

Các doanh nghiệp đã mạnh dạn đưa ra những sản phẩm mới, đã vượt qua rất nhiều rào cản quan liêu, thủ tục giấy tờ của một số quan chức để có được những tiến bộ KH&CN, đạt trình độ quốc tế về chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Những bài học đó có thể không mới, nhưng không dễ thực hiện nếu lãnh đạo doanh nghiệp không hết lòng hết sức vì sự nghiệp của doanh nghiệp mà chủ yếu chạy theo lợi ích cá nhân trước mắt.

- Thời gian qua, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ thông qua các chương trình như: Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, các Chương trình KH&CN quốc gia… Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả từ các chính sách này?

- Gần đây, Bộ KH&CN đã ban hành và phối hợp thực hiện nhiều dự án để thúc đẩy tiến bộ KH&CN, như các quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, các Chương trình KH&CN quốc gia… Các chương trình và các quỹ đó đã phát huy tác dụng tích cực, đã thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp với các viện khoa học và các trường đại học, đã thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học trong và ngoài nước và đã đem lại nhiều tiến bộ về vận dụng KH&CN hiện đại trong nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, vận dụng công nghệ thông tin…

Tuy vậy, so với những đổi mới của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) thì những tiến bộ của Việt Nam chưa phổ biến, chưa rộng khắp, chưa trở thành động lực chủ yếu để tăng trưởng và kinh doanh trong một nền kinh tế hội nhập và toàn cầu hoá. Hơn thế nữa, nhiều ngành hiện nay có lợi thế về lao động giá rẻ, như may mặc, da giày… có thể sẽ gặp thách thức nghiêm trọng khi quá trình sử dụng người máy, trí thông minh nhân tạo sẽ thay thế lao động giá rẻ trong 10 năm sắp tới.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã dự báo 80% lao động thủ công ở Việt Nam, 86% lao động trong ngành may mặc của Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ bị thay thế bằng người máy và trí thông minh nhân tạo. Vì vậy, các chính sách đổi mới KH&CN, giáo dục - đào tạo của Việt Nam cần được tiếp tục thay đổi để giúp các doanh nghiệp thích nghi với những cơ hội và thách thức mới.

- Dưới góc độ là một chuyên gia quốc tế, ông đánh giá thế nào về vai trò của đổi mới sáng tạo, KH&CN đối với nền kinh tế?

- GS Richard Floria người Canada đã vẽ bản đồ thế giới là một bản đồ có rất nhiều gai; trong đó, ông vẽ GDP sản xuất ở từng địa điểm trên thế giới là những cái gai; tức là nơi nào sản xuất được nhiều GDP thì gai ở nơi đó cao. Chúng ta có thể thấy gai ở Tokyo, Seoul hay vùng Đông nước Mỹ như ở New York là rất cao; trong khi vùng Siberi rộng lớn của nước Nga lại không có gai.

Richard Florida kết luận, GDP hiện nay được tạo ra chủ yếu tại các trung tâm sáng tạo và trung tâm về KH&CN chứ không phụ thuộc nhiều vào tài nguyên và lao động giá rẻ. Chúng ta còn nhớ trước đây, chụp ảnh thì phải dùng phim của hãng Kodak và rửa một cái ảnh thì mất một khoản tiền. Không ai ngờ rằng, chỉ sau 10 năm, sau khi chụp ảnh bằng công nghệ từ thì hãng phim Kodak đã phá sản hoàn toàn và số ảnh hiện nay đã tăng hàng trăm lần mà không ai phải trả tiền cho bức ảnh chụp như trước đây. Hiện nay, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với tốc độ rất cao và rất có thể sẽ có những hiện tượng tương tự sẽ diễn ra trong thời gian sắp tới đây...

- Xin cảm ơn ông!

(daibieunhandan.vn)

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận