Rộn mùa thu hoạch
Những ngày này, các thành viên trong gia đình bác Nguyễn Thị Hiên (thôn 7 – xã Đức Bồng) dường như tất bật hơn bởi vườn cam đang vào độ chín. Vợ chồng bác hầu như ngày nào cũng túc trực ngoài vườn. Ngoài việc chăm sóc, cuốc cỏ, điều chỉnh hệ thống tưới tiêu cho những gốc cam mới trồng, thời điểm này, bác Hiên cũng bận rộn với việc chọn tỉa những quả cam ưng ý để sáng sớm kịp ra chợ bán, hoặc thoăn thoắt thu hoạch cùng thương lái.
Theo chân con trai bác Hiên, chúng tôi có mặt tại vườn cam trên 1 ha. Những quả cam đều tăm tắp, đã ngả sang màu rám vàng. Bác Hiên vui mừng: “Với lợi thế đất đồi và khí hậu phù hợp, chúng tôi tập trung trồng cam chanh. Thoạt đầu chỉ vẻn vẹn vài chục cây, thấy hiệu quả nên chúng tôi mở rộng vườn cam với trên 600 gốc. Trong đó, hơn nửa đã cho thu hoạch và mỗi năm đều thu về nguồn lợi khá”.
Vườn cam của gia đình bà Nguyễn Thị Hiên ở thôn 7, xã Đức Bồng. |
“Đặc biệt, năm nay, được sự hỗ trợ của dự án SRDP, gia đình tôi đã đầu tư hệ thống vòi tưới nước nhỏ giọt bằng lập trình tự động, nên thuận lợi trong quá trình tưới tiêu, chăm sóc. Nhờ vậy, thời tiết khắc nghiệt, nắng hạn kéo dài nhưng cam vẫn thơm ngon” - bác Hiên cho biết thêm.
Phát triển cây ăn quả có múi là một trong những mũi nhọn kinh tế của Vũ Quang. Thời gian qua, huyện đã thành lập 1 HTX và 18 tổ hợp tác trồng cam cho hiệu quả. Anh Nguyễn Minh Tuấn - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng cam và chăn nuôi bò thôn 7 – xã Đức Bồng cho biết: “Tổ hợp tác có 14 thành viên, trong đó, 8-10 hộ thu nhập từ cam trên 100 triệu đồng/mùa. Điều đáng mừng là nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật nên sản lượng đạt khá, cam ngon, giá bán ổn định, bà con phấn khởi đầu tư sản xuất”.
Nỗ lực xây dựng thương hiệu
Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả có múi của Vũ Quang đã đạt trên 2.000 ha, trong đó, cam chiếm khoảng 1.500 ha. Cam Vũ Quang được trồng từ lâu và phát triển mạnh từ năm 2013 lại nay. Riêng năm 2013, Vũ Quang trồng mới 607 ha cây ăn quả có múi, trong đó, cam chiếm 425 ha.
Cam là loại cây có giá trị kinh tế cao với doanh thu bình quân đạt khoảng 300-500 triệu đồng/ha. Theo tìm hiểu, Vũ Quang hiện có 2.000 hộ trồng cam, trong đó, Đức Lĩnh, Đức Bồng, Hương Thọ, Sơn Thọ... là các xã có diện tích lớn. Tiêu biểu như hộ Trần Quốc Viện (thôn Tân Hương – Đức Lĩnh) 10 ha, Lê Khánh Toàn (thôn 6 - Đức Bồng) 4 ha, Nguyễn Đình Hà (thôn 6 – Sơn Thọ) 4 ha… So với cam Khe Mây và những loại cam khác, cam Vũ Quang mang đặc trưng riêng. Trong đó, nổi bật là cam chanh với những đặc điểm dễ nhận biết như bề mặt vỏ tròn nhẵn, quả hình cầu, nhiều nước, ngọt đậm pha vị chua nhẹ, quả chín có màu xanh vàng; còn cam bù vỏ tròn nhẵn, quả hình cầu dẹt, thịt quả màu vàng đậm, nhiều nước, vị ngọt pha vị chua nhẹ.
“Để loại đặc sản này có chỗ đứng trên thị trường, tránh bị trà trộn, huyện Vũ Quang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng thương hiệu cam Vũ Quang. Theo đó, UBND huyện đã khâu nối và đề xuất dự án SRDP hỗ trợ kinh phí xây dựng nhãn hiệu tập thể, đồng thời, xây dựng vườn ươm giống đạt tiêu chuẩn chất lượng để cung ứng cho các hộ dân. Với vai trò chủ công, Hội Nông dân huyện đã phối hợp dự án SRDP lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể cam Vũ Quang và hiện hồ sơ đã nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ. Dự kiến, cuối năm 2016, cam Vũ Quang sẽ được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể”, bà Nguyễn Thị Lương – Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết.
Hiện nay, Hội Nông dân Vũ Quang đang xúc tiến thành lập Hội Sản xuất và Kinh doanh cam Vũ Quang, trong đó, lựa chọn những tập thể và cá nhân trồng cam tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, hội phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các hộ tuân thủ quy trình kỹ thuật từ chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch, bảo quản, góp phần đảm bảo chất lượng để sử dụng nhãn hiệu tập thể trong thời gian tới.
http://baohatinh.vn/