Đây là bước đi kịp thời, thể hiện rõ định hướng chỉ đạo của Đảng trong việc nâng cao nhận thức xã hội cho lộ trình tiếp cận và phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng.
Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa - 8.212 MWh (Ảnh từ internet)
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ, tỉnh Hà Tĩnh xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.
Trên thực tế, năng lượng hạt nhân đang là lĩnh vực còn nhiều mới mẻ, dễ bị hiểu sai hoặc chịu tác động từ các luồng thông tin không chính thống. Do vậy, công tác tuyên truyền cần được tiến hành bài bản, đồng bộ, có định hướng, nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, Ban Tuyên giáo Dân vận đề nghị các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm:
• Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu xây dựng kế hoạch tuyên truyền tổng thể của tỉnh. Đồng thời, sở có trách nhiệm phối hợp với các sở ngành, địa phương tổ chức các hội thảo, tọa đàm, lớp tập huấn nhằm cung cấp kiến thức chuyên môn, thông tin khoa học chính xác về năng lượng hạt nhân. Bên cạnh đó, sở cũng là đầu mối tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai cho UBND tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ.
• Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy định hướng công tác tuyên truyền trong toàn hệ thống chính trị, bảo đảm sự nhất quán về nhận thức và hành động. Ban phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc nắm bắt diễn biến tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời định hướng thông tin và xử lý những quan điểm sai lệch nếu có.
• Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và các cơ quan báo chí Trung ương thường trú trên địa bàn cần chủ động mở rộng chuyên mục, xây dựng tuyến bài chuyên sâu, thực hiện các phóng sự, tọa đàm, phản ánh kịp thời quá trình chuẩn bị cũng như tiềm năng phát triển điện hạt nhân trên địa bàn. Qua đó, giúp người dân hiểu đúng, hiểu đủ về lợi ích, tính an toàn và sự cần thiết của loại hình năng lượng này.
• Sở Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục về năng lượng hạt nhân, năng lượng sạch vào các chương trình giảng dạy phù hợp với từng cấp học. Thông qua đó, góp phần bồi dưỡng thế hệ trẻ có nhận thức khoa học, khách quan và tích cực về định hướng phát triển đất nước.
• Tỉnh đoàn Hà Tĩnh và các tổ chức chính trị – xã hội phát huy vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền tại cộng đồng, đặc biệt trong thanh thiếu niên, sinh viên. Các chương trình truyền thông sáng tạo, linh hoạt gắn với hoạt động tình nguyện, bảo vệ môi trường, giáo dục kỹ năng sống sẽ giúp lan tỏa thông điệp một cách hiệu quả.
• UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ điều kiện thực tiễn từng địa phương để xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp. Đồng thời, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị cơ sở trong tổ chức các hoạt động thông tin, truyền thông trực tiếp đến người dân.
Phát triển điện hạt nhân là chủ trương lớn, lâu dài và có ý nghĩa chiến lược. Để thực hiện thành công, không thể thiếu sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia tích cực của toàn xã hội. Công tác tuyên truyền cần trở thành một mũi nhọn quan trọng – đi trước một bước – nhằm tạo nền tảng vững chắc về nhận thức, từ đó chuyển hóa thành hành động thống nhất trong triển khai chủ trương quan trọng này./.
Dương Kim Nga