Doanh nghiệp cần có chiến lược nâng cao năng suất lao động thông qua chú trọng tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ; tập trung đầu tư nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp.
Ở cấp quốc gia, năng suất là yếu tố then chốt để tăng trưởng kinh tế. Ở cấp doanh nghiệp, năng suất – chất lượng – hiệu quả luôn là khẩu hiệu trong các nhà máy sản xuất. Có thể nói rằng, năng suất có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển kinh tế, là một trong những thước đo sự tăng trưởng.

Những năm vừa qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao năng suất lao động, nhờ đó năng suất lao động đã có những cải thiện đáng kể cả về giá trị và tốc độ.
Cụ thể, năm 2020, năng suất lao động đạt 150,1 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 6.466 USD/lao động), gấp 2,1 lần năm 2011 (70 triệu đồng/lao động). Năm 2021 năng suất lao động đạt 172,8 triệu đồng/lao động, tăng 22,8 triệu đồng/lao động so với năm 2020. Năm 2022, năng suất lao động đạt 188 triệu đồng/lao động, tăng 15,2 triệu đồng/lao động so với năm 2021.
Năm 2023, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022).
Tốc độ tăng năng suất lao động trong giai đoạn 2011-2023 của kinh tế Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể. Bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 4,53%; giai đoạn 2016-2020 tăng 6,05%, và giai đoạn 2021-2023 tăng 4,6%.
Các chuyên gia đánh giá, có nhiều yếu tố tác động, gây ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất lao động trong doanh nghiệp. Đầu tiên là yếu tố về con người, tùy thuộc vào từng kiến thức, kỹ năng, chuyên môn hay kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc mà từ đó phản ánh được mức độ làm việc của một cá nhân.
Bên cạnh yếu tố về con người thì các yếu tố về cơ sở vật chất bao gồm các dụng cụ, công cụ, thiết bị, máy móc để phục vụ người lao động hoàn thành công việc được giao cũng là những yếu tố tác động trực tiếp đến hiệu quả làm việc của một nhân viên trong công ty.

Trong đó, việc áp dụng thành công các công cụ cải tiến năng suất là một trong những giải pháp đem lại hiệu quả cao trong nâng cao năng suất cho doanh nghiệp. Các công cụ cải tiến năng suất như 5S, Kaizen, Lean, 6 Sigma, TPM, KPI, MFCA, BSC… là những giải pháp giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Mỗi công cụ cải tiến năng suất đều đem đến cho doanh nghiệp những lợi ích riêng. Có thể kể đến như áp dụng mô hình quản lý tinh gọn (Lean), Kaizen, 5S sẽ giúp các doanh nghiệp loại bỏ lãng phí và bất hợp lý trong quá trình sản xuất, cung cấp dịch vụ, hướng mọi hoạt động của tổ chức theo hướng tinh gọn; giúp doanh nghiệp cải tiến, ngăn ngừa sai lỗi, giảm thiểu rủi ro, từ đó nâng cao năng suất…
Song song với đó, doanh nghiệp cũng cần có chiến lược nâng cao năng suất lao động thông qua chú trọng tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ; tập trung đầu tư nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp.
Bản thân người lao động cũng cần nỗ lực, rèn luyện, phấn đấu, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, khẳng định năng lực... để thăng tiến, rèn luyện cho mình tác phong làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong xu thế phát triển hiện nay. Đây là yêu cầu tất yếu, nếu không đáp ứng được thì người lao động có thể bị đào thải trong quá trình phát triển chung của doanh nghiệp.
Nguồn: vietq.vn