Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất và dịch vụ trở thành yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng.
Việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) đã trở thành yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng và công cụ cải tiến để tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, theo thống kê, 32/63 tỉnh, thành phố đã thành lập quỹ phát triển KH&CN, hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Đồng thời, 60/63 địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm giai đoạn 2021-2030.
Công nghệ hiện đại hỗ trợ sản xuất chính xác, tăng năng suất chất lượng sản phẩm. (Ảnh minh họa)
Tại Diễn đàn quốc tế về kinh doanh sáng tạo - International Innovative Business Forum (IIBF) năm 2024, với chủ đề “Ứng dụng công nghệ thực chiến để tăng cường nội lực và tạo thế bứt phá cho doanh nghiệp Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã khẳng định vai trò quan trọng của việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự tác động sâu rộng của CMCN 4.0.
Ông Nguyễn Thế Truyện - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học và Tự động hóa (Bộ Công Thương) cũng nhận định, việc ứng dụng Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất là bước tiến quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp xu hướng toàn cầu. Để thành công, doanh nghiệp cần đầu tư vào hệ thống quản lý thông minh và xây dựng đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao.
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gắn liền với trình độ ứng dụng công nghệ trong sản xuất và quản trị. Công nghệ không chỉ giúp doanh nghiệp tăng tốc độ, giảm sai sót mà còn loại bỏ lãng phí. CMCN 4.0 tạo ra các doanh nghiệp số dựa trên việc kết nối các chuỗi giá trị trong và ngoài doanh nghiệp, số hóa các quy trình sản xuất và dịch vụ, tạo ra những mô hình kinh doanh mới.
Các nền tảng ứng dụng quản lý hiện đại, vận hành trên mạng máy tính diện rộng, Internet và điện toán đám mây, cho phép kết nối thông tin xuyên suốt toàn bộ tổ chức, bất kể quy mô. Dữ liệu tích hợp qua các quy trình từ lập kế hoạch, phát triển sản phẩm, sản xuất đến bán hàng và dịch vụ giúp tăng tốc độ thực hiện, giảm thiểu sai sót và loại bỏ lãng phí về nhân công và thời gian.
Thông qua ứng dụng các cảm biến thông minh và thiết bị thông tin liên lạc, doanh nghiệp có thể số hóa toàn bộ quá trình từ sản xuất đến quản lý. Thông tin thu thập từ quá trình sản xuất được chuyển thành dữ liệu theo thời gian thực, giúp các hệ thống quản trị như ERP và BI luôn có dữ liệu đầy đủ, cập nhật và chính xác để hỗ trợ quyết định kịp thời.
Đặc biệt, hệ thống SCADA (Supervisory Control and Data Acquisition) đóng vai trò quan trọng trong các doanh nghiệp có nhu cầu tự động hóa cao. SCADA thu thập và xử lý dữ liệu từ các thiết bị, cảm biến, máy móc, giúp người điều khiển phân tích và đưa ra quyết định chính xác.
Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO) Phạm Văn Tài cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc CMCN 4.0, với vai trò tiên phong trong việc ứng dụng, phát triển KH&CN, THACO xác định công nghệ chính là đòn bẩy quan trọng, tạo lực đẩy cho hoạt động sản xuất, để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Việc triển khai thực hiện các dự án khoa học công nghệ và áp dụng vào thực tiễn đã mang lại hiệu quả rất lớn cho doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng xu thế thị trường, góp phần hình thành hệ sinh thái đa ngành phát triển bền vững, gia tăng khả năng cạnh tranh trong nước và xuất khẩu.
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh, Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) đã không ngừng đầu tư và nâng cấp công nghệ, áp dụng các giải pháp công nghệ 4.0 để nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước sạch. Công ty sử dụng các hệ thống xử lý nước hiện đại, với thiết bị giám sát chất lượng nước online, đảm bảo công tác xử lý nước an toàn và hiệu quả.
Qua hơn 10 năm thực hiện chứng nhận an toàn, rà soát các mối nguy sự cố, kết hợp nghiên cứu ứng dụng KH&CN theo hướng CMCN 4.0 (lắp đặt thiết bị giám sát và cảnh báo chất lượng nước online (độ đục, pH, Clo dư) ở mỗi công đoạn (nguồn - lắng - lọc - bể chứa và trên mạng lưới) với 92 thiết bị đo online tại các nhà máy và 22 thiết bị tại mạng; Thiết bị phân tích tự động; Phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017,...), công ty đã ứng dụng đầy đủ giải pháp công nghệ tiến tiến tại nhà máy, đảm bảo tính bền vững ngay cả khi thiên tai, dịch bệnh. Nhờ vậy, kịp thời theo dõi và xử lý các sự cố xảy ra trong quá trình xử lý nước.
Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cũng đã chủ động hợp tác với các trường đại học lớn từ năm 2009, đầu tư nghiên cứu và áp dụng công nghệ vào sản xuất. Nhờ đó, doanh thu của công ty năm sau luôn cao hơn trước, đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, doanh nghiệp vẫn tăng trưởng từ 15%-18%, lợi nhuận tăng khoảng 17%.
Tương tự, Công ty TNHH Daehan Global Thanh Hóa đã đầu tư máy móc công nghệ mới nhất như máy vẽ sơ đồ tự động, máy cắt, may tự động, máy trải vải, máy cuộn viền, máy kiểm tra vải, máy tời vải. Đặc biệt, công ty đã đầu tư hệ thống chuyền treo tự động, giúp quy trình sản xuất được kiểm soát hoàn toàn tự động và có thể truy xuất thông tin, tối ưu hóa năng lực sản xuất. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm được nâng cao, tiết kiệm thời gian và nhiều chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Theo TS. Chứ Đức Hoàng - Chánh văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), Bộ KH&CN, tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp chủ chốt còn thấp, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, chỉ đạt 5-10%. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ mới như IoT và AI để cải thiện chất lượng sản phẩm và năng suất.
Nguồn: vietq.vn