Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, vai trò của chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ngày càng quan trọng. Đồng thời, chất lượng cũng là một trong những yếu tố quyết định đến việc mở rộng thị trường của doanh nghiệp.
Để đạt chất lượng mong muốn cần có sự quản lý đúng đắn. Hoạt động quản lý trong lĩnh vực chất lượng được gọi là quản lý chất lượng. Hoạt động này bao gồm các hoạt động nhằm định hướng và kiểm soát một tổ chức về chất lượng. Quản lý chất lượng đảm bảo cho doanh nghiệp làm đúng những việc phải làm. Các doanh nghiệp muốn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, phải tìm hiểu và áp dụng có hiệu quả các tư tưởng và công cụ quản lý chất lượng.
Theo đó, cải tiến là một trong những nguyên tắc quan trọng của quản lý chất lượng. Cải tiến vừa là mục tiêu, đồng thời cũng là phương pháp của mọi doanh nghiệp. Muốn có được khả năng cạnh tranh và mức độ chất lượng cao nhất, doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến. Sự cải tiến có thể thực hiện theo từng bước nhỏ hoặc nhảy vọt. Cách thức cải tiến cần phải “bám chắc” vào công việc của doanh nghiệp.
Để thực hiện nguyên tắc trên, doanh nghiệp phải khiến cho cải tiến liên tục sản phẩm, quá trình và hệ thống là mục tiêu cho từng người trong doanh nghiệp; Áp dụng phương pháp cơ bản cải tiến từng bước và cải tiến lớn; Cải tiến liên tục hiệu lực và hiệu quả của tất cả quá trình; Giáo dục và đào tạo từng thành viên của doanh nghiệp về các phương pháp và công cụ cải tiến liên tục; Thiết lập biện pháp và mục tiêu để hướng dẫn và tìm kiếm các cải tiến.
Việc áp dụng nguyên tắc này mang lại nhiều tác dụng, cụ thể như: Đối với lập kế hoạch - tạo ra và đạt được các chiến lược và kế hoạch kinh doanh tích cực hơn thông qua sự hợp nhất việc cải tiến không ngừng với việc lập kế hoạch chiến lược và kế hoạch kinh doanh; Đối với thiết lập mục tiêu - đưa ra mục tiêu cải tiến vừa thực tế vừa có yêu cầu cao và cung cấp các nguồn lực để đạt được các mục tiêu đó;
Đối với quản lý điều hành - lôi cuốn cán bộ nhân viên tham gia vào việc cải tiến không ngừng các quá trình; Đối với quản lý nguồn nhân lực - cung cấp cho tất cả cán bộ nhân viên các công cụ, cơ hội và có sự cổ vũ để cải tiến kết quả hoạt động.
Ngoài ra, một nguyên tắc nữa trong quản lý chất lượng mà doanh nghiệp cần tuân thủ đó là quyết định dựa trên dữ liệu, bằng chứng. Mọi quyết định và hành động của hệ thống quản lý hoạt động kinh doanh muốn có hiệu quả phải được xây dựng dựa trên việc phân tích dữ liệu và thông qua.
Áp dụng nguyên tắc này có tác dụng: Đối với lập kế hoạch - các kế hoạch dựa trên dữ liệu và thông tin xác đáng thì hiện thực hơn và chắc chắn dễ đạt được hơn; Đối với thiết lập mục tiêu - sử dụng dữ liệu và thông tin có tính so sánh để quyết định mục tiêu hiện thực và mục tiêu để phấn đấu;
Đối với quản lý điều hành - dữ liệu và thông tin là cơ sở cho việc hiểu được kết quả của quá trình và cả hệ thống để hướng dẫn cải tiến và ngăn chặn các vấn đề phát sinh; Đối với quản lý nguồn nhân lực - việc phân tích dữ liệu và thông tin từ các nguồn, như điều tra, lấy ý kiến cá nhân và nhóm trọng điểm, sẽ định hướng xây dựng chính sách về nguồn nhân lực.
Nguồn: vietq.vn