00:46 | 31-10-2016

Cần xã hội hóa mạnh hơn nữa hoạt động sở hữu trí tuệ

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) kiêm Cục trưởng Cục SHTT Trần Việt Thanh tại Hội nghị về quản lý SHTT do Cục SHTT (Bộ KH&CN) phối hợp với UBND Thành phố Hải Phòng tổ chức ngày 27-28/10/2016. Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết thêm, vấn đề này sẽ được chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy hoạt động SHTT trong thời gian tới.

Nâng cao năng lực đội ngũ tư vấn

Tại hội nghị, nhiều ý kiến thảo luận đã tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc khiến tình trạng xử lý đơn SHTT bị tồn đọng trong thời gian qua.

Theo ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục SHTT, năm 2015 Cục SHTT đã tiếp nhận 93.985 đơn các loại, gồm 50.975 đơn đăng ký xác lập quyền (tăng 10% so với năm 2014) và 43.010 đơn khác.

Về việc xử lý đơn, Cục SHTT đã xử lý 75.283 đơn các loại, trong đó có 35.360 đơn đăng ký xác lập quyền (giảm 8,7% so với năm 2014), trong đó: chấp nhận bảo hộ 25.621 đối tượng sở hữu công nghiệp (SHCN); từ chối bảo hộ 9.739 đối tượng SHCN; ngoài ra đã xử lý 39.923 đơn các loại khác. Số văn bằng bảo hộ đã cấp: Đã chấp nhận và cấp văn bằng bảo hộ 25.337 đối tượng SHCN (giảm 6,1% so với năm 2014)...

Nêu ý kiến về tình trạng xử lý đơn còn chậm, tại hội nghị ông Trần Dũng Tiến - Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh đưa ra giải pháp cụ thể. Theo đó nâng cao chất lượng cũng như tỉ lệ đội ngũ những người đại diện SHCN- những người làm cầu nối cho Cục SHTT đối với các chủ thể đơn.

Ông Tiến dẫn số liệu thời gian qua có trên 300 người thi chứng chỉ hành nghề đại diện SHCN nhưng tỉ lệ đạt rất thấp do trượt quá nhiều. Cụ thể, năm 2013 có 91 người thi mà chỉ có 2,63% người đạt. Năm 2014 đến nay chưa có kết quả.

Theo đó ông Tiến kiến nghị nên tách từng lĩnh vực để thi. Ví dụ những người làm sáng chế chỉ thi, kiểm tra về chuyên môn sáng chế; người làm về nhãn hiệu chỉ kiểm tra về nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp cũng chỉ kiểm tra về kiểu dáng công nghiệp... để chú trọng tính chuyên môn đối với từng lĩnh vực cụ thể.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh (giữa) điều hành hội nghị về Quản lý sở hữu trí tuệ ngày 28/10. Ảnh: Loan Lê.


Thay đổi tư duy, đẩy mạnh xã hội hóa

Chia sẻ kiến nghị này, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cũng nhìn nhận những khó khăn mà những người làm công tác quản lý về SHTT đang phải đối mặt. Trong đó riêng vấn đề xử lý tình trạng tồn đọng đơn, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh tới yếu tố phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận cũng như đầu tư nâng cấp về cơ sở hạ tầng thông tin.

"Hiện quy trình thẩm định đơn quá phức tạp. Quy trình này phải qua thẩm định viên 1, 2 rồi mới lên lãnh đạo phòng, lãnh đạo Cục. Hiện chúng tôi cũng đang thay đổi quy trình này bằng cách phân cấp dần, mạnh mẽ hơn nữa bằng cách nâng cao quyền của các thẩm định viên" - Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh cũng kỳ vọng vào các Trung tâm SHTT sẽ hình thành ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, các trường đại học lớn sẽ giúp cho việc xử lý tình trạng nợ đọng đơn tốt hơn.

"Chúng tôi cho rằng chính các trung tâm này sẽ gắn kết chặt chẽ với các nhà khoa học giúp cho việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Họ sẽ hiểu và tư vấn cho các nhà khoa học những kết quả nào cần bảo hộ, và giúp việc hoàn thiện các đơn đăng ký SHTT tốt hơn và sẽ giúp cho việc thẩm định nhanh chóng hơn" - Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói.

Để thúc đẩy hoạt động này, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết, dự kiến thời gian tới Bộ KH&CN sẽ vào làm việc với Đại học Quốc gia TP HCM để đưa Trung tâm về SHTT của trường này, hay như trung tâm của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Đà Nẵng trở thành những trung tâm SHTT mạnh.

"Các hoạt động hỗ trợ về SHTT phải xã hội hóa mạnh hơn. Cục SHTT cũng sẽ chú trọng đẩy mạnh các chương trình đào tạo kiến thức về SHTT cho xã hội và các doanh nghiệp nhiều hơn. Bên cạnh đó cần vượt lên chính mình, thay đổi tư duy của anh em làm trong SHTT" - Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói và nhấn mạnh không thể chấp nhận tình trạng nợ đọng đơn, tình trạng SHTT chưa là động lực cho đổi mới sáng tạo./.

Theo http://www.most.gov.vn/

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận