02:21 | 23-04-2019

Hà Tĩnh công bố nhãn hiệu tập thể “Mộc Thái Yên”

Đại diện Cục SHTT (Bộ KH&CN) trao chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể Mộc Thái Yên cho Hội Nghề mộc Thái Yên.

Sau khi được bảo hộ, nhãn hiệu tập thể "Mộc Thái Yên" sẽ do Hội Nghề mộc Thái Yên (xã Thái Yên, huyện Đức Thọ - hiện có 94 hội viên) quản lý và sử dụng.

Với việc đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể “Mộc Thái Yên”, các cá nhân, tổ chức thuộc Hội Nghề mộc Thái Yên sẽ có thêm công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật thông qua việc quản lý và sử dụng quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), chống các hành vi xâm phạm quyền.

Lãnh đạo Sở KH&CN, huyện Đức Thọ tặng hoa cảm ơn Cục SHTT, đơn vị tư vấn và chúc mừng Hội Nghề mộc Thái Yên.

Việc sử dụng nhãn hiệu tập thể “Mộc Thái Yên”, các công cụ quảng bá, phát triển thương hiệu chung và riêng sẽ bảo đảm tính thống nhất nhận diện thương hiệu và tuân thủ các quy định chung về sử dụng logo, tem, nhãn sản phẩm. Bên cạnh đó, việc khai thác và phát triển hiệu quả quyền SHTT sẽ góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm mộc truyền thống, mở rộng hơn nữa thị trường trong nước và hướng đến việc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Mộc Thái Yên được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Mộc Thái Yên – Làng nghề truyền thống Đức Thọ, Hà Tĩnh”.

Tại lễ công bố, Giám đốc Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Bộ KH&CN) Lưu Đức Thanh cho rằng, nhãn hiệu "Mộc Thái Yên" được bảo hộ, ngoài niềm vui của cộng đồng các tổ chức, nhân sản xuất mộc ở Thái Yên cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức về công tác quản lý và sử dụng để phát huy giá trị, hiệu quả của nhãn hiệu tập thể trên thị trường.

Ông Lưu Đức Thanh phát biểu tại lễ công bố.

Do đó, hội cần xây dựng các phương án tổ chức, huy động, kêu gọi hỗ trợ nguồn lực để thực hiện quản lý, phát triển nhãn hiệu. Đồng thời, chủ sở hữu và các cơ quan, ban, ngành ở Hà Tĩnh cần hỗ trợ nguồn lực quảng bá, phát triển kênh thị trường cho người dân. Đặc biệt, người sản xuất cần nêu cao tinh thần trách nhiệm nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm duy trì danh tiếng và vị trí của sản phẩm trên thị trường.

Năm 2002, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết Cụm sản xuất tiểu thủ công nghiệp xã Thái Yên có tổng diện tích 5,5 ha, ngân sách Nhà nước đầu tư cho hạ tầng cụm gần 34 tỷ đồng. Đến năm 2009, toàn bộ diện tích được lấp đầy với 33 dự án, tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng. Trước tình hình phát triển mạnh của nghề mộc truyền thống và nhu cầu của nhân dân xã Thái Yên, năm 2012 UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng mở rộng Cụm công nghiệp Thái Yên, huyện Đức Thọ, với tổng diện tích 15,25 ha.

Thực hiện xã hội hóa đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, năm 2016 UBND tỉnh ban hành quyết định về việc cho phép Công ty CP Đầu tư IDI đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp (phần mở rộng). Đến nay dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 (khu B) với tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật là 148 tỷ đồng, hiện đã có 42 dự án đầu tư vào cụm với tỷ lệ lấp đầy gần 50%. Trước nhu cầu sản xuất kinh doanh của làng nghề, trong thời gian tới, đơn vị đầu tư hạ tầng cụm tiếp tục thực hiện giai đoạn 2.

Dương Chiến/baohatinh.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận