08:36 | 26-08-2019

Hàng hóa nhập khẩu sẽ bị kiểm soát chặt việc ghi nhãn theo Nghị định 43

Chỉ đạo của Tổng cục Hải quan xuất phát từ thực tế, trong quá trình theo dõi, quản lý, giám sát, kiểm soát, kiểm tra sau thông quan, thanh tra đối với lĩnh vực xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, hàng hóa có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Tổng cục Hải quan đã phát hiện các phương thức, thủ đoạn gian lận trong lĩnh vực này.

Hàng hóa nhập khẩu ghi nhãn phải thể hiện đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP.

Theo đó, khi kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu công chức hải quan phải kiểm tra trên hàng hóa, bao bì có nhãn hay không; trường hợp hàng hóa không có nhãn (trừ các hàng hóa quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 43/2017/NĐ-CP) thì thực hiện xử phạt theo quy định tại Khoản 7 Điều 14 Nghị định 127/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 11 Điều 1 Nghị định 45/2016/NĐ-CP), đồng thời chuyển thông tin cho Tổng cục Quản lý thị trường để kiểm tra, giám sát việc dán nhãn phụ trước khi lưu thông.

Trường hợp hàng hóa có nhãn thì nhãn hàng hóa phải thể hiện đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Cụ thể, vị trí nhãn phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa, ở vị trí dễ quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.

Các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa gồm: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa; các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I Nghị định 43/2017/NĐ-CP và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Đặc biệt, đối với một số nhóm mặt hàng nhập khẩu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, ngoài việc kiểm tra các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định, trên nhãn gốc phải thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc.

Cụ thể, đối với nhóm hàng hóa nhập khẩu là thuốc, nguyên liệu làm thuốc, việc ghi nhãn và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc thực hiện theo quy định tại Thông tư 01/2018/TT-BYT của Bộ Y tế.

Đối với nhóm hàng hóa nhập khẩu là lương thực, thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, trang thiết bị y tế, mỹ phẩm, rượu, đồ uống, Tổng cục hướng dẫn cụ thể các đơn vị kiểm tra trên nhãn gốc phải thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc theo từng nhóm hàng theo quy định tại Phụ lục I Nghị định 43/2017/NĐ-CP.

Đối với mặt hàng thuốc lá điếu nhập khẩu thì kiểm tra việc ghi nhãn theo quy định tại Thông tư liên tịch 05/2013/TTLT-BYT-BCT của liên Bộ Y tế-Công Thương hướng dẫn việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá.

Theo tcvn.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận