Cùng với chăn nuôi, ông Nguyễn Hợi ở xóm 6, xã Sơn Trường (Hương Sơn) còn có 2 ha cam quả sai từ gốc đến ngọn. Ước tính, mỗi năm ông Hợi có thu nhập khoảng 700 triệu đồng từ vườn đồi.
Nhờ lợi thế vườn đồi màu mỡ và được chăm bón tốt, đến nay vườn cam 2 ha của gia đình ông Nguyễn Hợi (xóm 6, xã Sơn Trường) đang trong thời kỳ cho quả sung sức nhất, đạt sản lượng cao nhất vùng. Cùng với trồng cam, gia đình ông Hợi còn nuôi 15 con hươu, đàn gà thả và một số loại cây, con khác... mỗi năm mang về nguồn thu nhập khoảng 700 triệu đồng. Từ trồng cam và chăn nuôi, gia đình ông Hợi đã có cuộc sống ngày càng sung túc. Đặc biệt, số tiền tích lũy được qua mấy năm gần đây đã giúp ông cất cho các con 2 ngôi nhà cao tầng khang trang, tiện nghi nhất xã...
Cũng nhờ biết tận dụng lợi thế đất đai rộng lớn nên ông Nguyễn Minh Công ở thôn Khe Năm (xã Sơn Kim 1) đã có trang trại chăn nuôi trâu bò kết hợp với trồng rừng quy mô lớn nhất huyện.
Ông đã tiên phong đứng ra nhận khoán hành chục hec-ta đất lâm nghiệp của một lâm trường trên địa bàn để phát triển kinh tế. Ngoài 30 ha keo mang, ông đã dành hơn 3 ha để làm bãi chăn thả trâu bò. Đặc biệt, ông còn bố trí đất trồng cỏ, sản xuất màu để tạo nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò đông đúc. Cùng với nguồn thu nhập rất lớn từ rừng (mỗi chu kỳ khai thác keo khoảng 5 năm), mỗi năm ông còn thu nhập 400-500 triệu đồng từ đàn gia súc luôn ổn định số lượng khoảng 50 con.
Mô hình gia trại muôi gà, bồ câu và thỏ New Zealand của chị Nguyễn Thị Soa ở thôn Đông Hà, xã Sơn Hà (Hương Sơn) mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng
Theo thống kê, toàn huyện Hương Sơn hiện có 64 trang trại sản xuất nông nghiệp, trong đó có 11 trang trại trồng trọt, 52 trang trại chăn nuôi, 1 trang trại lâm nghiệp. Cùng với đó, trên địa bàn cũng đã xây dựng được 2.353 mô hình kinh tế gia trại có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên; trong đó có 146 mô hình doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, 236 mô hình doanh thu từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm, còn lại từ 100-500 triệu đồng/năm.
Với số lượng tăng, làm ăn ngày một hiệu quả, hệ thống trang trại, gia trại ở Hương Sơn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, giúp giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân...
Với lợi thế vườn đồi, chị Trần Thị Lợi ở xã Sơn Thủy (Hương Sơn) đã trồng cam, chè kết hợp nuôi hươu, trâu, bò, gà để mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng...
Có được kết quả ấn tượng đó là do Hương Sơn luôn xác định kinh tế trang trại, kinh tế vườn đồi, vườn rừng, chăn nuôi là một thế mạnh cần phải được khai thác, phát huy, nên đã tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án sản xuất của từng ngành, từng lĩnh vực tạo ra đầu tàu, đầu kéo trong sản xuất.
Ngoài ra, cùng với các chính sách khuyến nông, khuyến lâm của cấp trên, huyện cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để tạo điều kiện, khuyến khích nhân dân mạnh dạn đầu tư làm ăn lớn, tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống cây, giống con và sản xuất...
Theo baohatinh.vn