Chị Nguyễn Thị Tứ (bên trái) đóng gói sản phẩm bán cho DN ngay tại ruộng
Vụ xuân năm nay, trong tổng số 5 sào ruộng, gia đình chị Nguyễn Thị Tứ (thôn Thanh Sơn, xã Kỳ Văn) có trên 3 sào được sản xuất liên kết với Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang ở Ninh Bình.
Trong quá trình liên kết sản xuất, doanh nghiệp cung ứng giống chất lượng cao cho người dân và tiến hành bao tiêu 100% lượng thóc tươi thành phẩm ngay tại chân ruộng với giá 6.000 đồng/kg, tương đương với giá thóc sau khi đã phơi khô trên thị trường hiện nay.
Lãnh đạo phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh kiểm tra chất lượng sản phẩm ở những vùng liên kết sản xuất lúa
“Đây là vụ thứ 2 chúng tôi thực hiện mô hình liên kết với doanh nghiệp đối với giống lúa DQ11. Chúng tôi đầu tư thâm canh, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên đạt năng suất cao hơn những diện tích khác - đạt khoảng 3 tạ/sào. Cùng đó, doanh nghiệp mua tại ruộng với giá khá hấp dẫn nên nông dân giảm được công sức phơi phong, cất trữ. Vụ sản xuất tới, tôi và bà con đang bàn bạc để mở rộng diện tích liên kết” – chị Tứ cho biết.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Văn Hoàng Trọng Lý, năng suất lúa vụ xuân của xã đạt cao nhất từ trước tới nay (54 tạ/ha), ngoài việc tăng đầu tư thâm canh, ứng dụng những giống lúa mới năng suất cao, chất lượng tốt, còn có vai trò của việc mở rộng diện tích liên kết với doanh nghiệp. Toàn xã có 50 ha liên kết cung ứng giống và thu mua sản phẩm, năng suất ở những vùng sản xuất này lên tới 60 tạ/ha.
Vùng sản xuất tập trung thôn Đông Sơn, xã Kỳ Phong đến thời điểm này đã hoàn thành thu hoạch diện tích lúa liên kết để bán cho doanh nghiệp
Tại thôn Đông Sơn, xã Kỳ Phong, với 20 ha lúa liên kết giống DQ11, những ngày thu hoạch vụ xuân, xe của doanh nghiệp về tận địa bàn để thu mua cho nông dân. Thôn trưởng Trần Thị Tọa cho biết, riêng gia đình chị làm 2 sào lúa chất lượng cao liên kết với doanh nghiệp, mỗi sào năng suất đạt hơn 3,5 tạ.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh, sự xuất hiện của doanh nghiệp với hình thức liên kết trên cánh đồng lớn, 1 giống chất lượng cao, giá thu mua hấp dẫn đang được nông dân đón nhận. Mặc dù là vụ đầu tiên triển khai đại trà với hình thức liên kết mới này, nhưng vụ xuân 2019 toàn huyện Kỳ Anh đã có địa phương (Kỳ Văn, Kỳ Thư, Kỳ Phong, Kỳ Tiến) thực hiện với tổng diện tích trên 100 ha; năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha.
Doanh nghiệp đưa xe vận tải về tận địa bàn các xã có diện tích lúa liên kết để thu mua sản phẩm
Ông Lại Xuân Thu - đại diện Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang cho biết: "Bước đầu chúng tôi thấy phấn khởi vì nông dân Kỳ Anh đánh giá cao về năng suất, chất lượng của giống lúa mà doanh nghiệp triển khai. Ở nhiều diện tích, bà con chỉ bán cho doanh nghiệp một phần, còn lại sử dụng cho bữa cơm gia đình. Vì vậy, vụ sản xuất này chúng tôi chỉ đặt mục tiêu thu mua khoảng 120 tấn. Những vụ sản xuất tới, với diện tích liên kết sản xuất được mở rộng, chúng tôi mong muốn sẽ thu mua được với số lượng nhiều hơn".
Ông Lê Văn Trọng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh cho biết, những năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện Kỳ Anh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện triển khai nhiều giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng suất và sản lượng lúa trên một đơn vị diện tích. Vụ xuân 2019 này, một trong những thành công được ghi nhận đó là diện tích liên kết với doanh nghiệp sản xuất một loại giống trên cánh đồng lớn, mở ra hướng đi triển vọng để nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Vụ xuân 2019, với 500 ha sản xuất cánh đồng lớn do dự án WB7 đầu tư tại 7 xã; 12/21 xã tham gia tích cực cuộc thi thâm canh lúa; mở rộng diện tích lúa liên kết sản xuất với nhiều hình thức... nên Kỳ Anh đạt năng suất cao nhất từ trước tới nay, với 54 tạ/ha. Đến thời điểm này, huyện đã thu hoạch được hơn 80% trên tổng số 5,5 ngàn ha lúa toàn huyện. Dự kiến trong khoảng thời gian từ 10 - 13/5, toàn huyện sẽ hoàn thành thu hoạch vụ xuân, sớm hơn 15 ngày so với vụ xuân 2018. |
Theo baohatinh.vn