10:35 | 08-09-2016

Ngăn chặn tai nạn liên quan đến đồ chơi

Đồ chơi là báu vật tuổi thơ. Nhưng nếu không cẩn thận, đồ chơi cũng có thể gây hại. Biết rõ từng mối nguy với từng loại và nhóm đồ chơi cụ thể có thể giúp các bậc làm cha làm mẹ bảo vệ được con mình tốt hơn khỏi những thương tổn. Chúng ta hãy cùng xem cách mà tiêu chuẩn ISO/TR 8124-8 phân loại đồ chơi theo độ tuổi với mức độ an toàn cao nhất.

Hồi nhỏ, bạn có bao giờ bị thương khi chơi đồ chơi không? Bạn có thể ngã xe đạp, trầy sước đầu gối hoặc bị một vật bay từ một món đồ chơi va vào mắt. Không riêng bạn bị thế. Những thương tổn từ đồ chơi rất phổ biến.

Theo một báo cáo nghiên cứu năm 2014 xuất bản trên tạp chí Y khoa nhi đồng, tính từ năm 1990 đến 2011, hơn 3 triệu trẻ em ở nước Mỹ đã phải điều trị cấp cứu do tai nạn liên quan đến đồ chơi. Riêng năm 2011, tỉ lệ là 3 phút lại có 1 trẻ em bị thương do đồ chơi. Trên một nửa số vụ tai nạn đó xảy đến với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi.

Vậy loại đồ chơi nào an toàn và lành mạnh? Một trong những mối nguy dễ thấy nhất trong số các đồ chơi kém an toàn là loại đồ chơi có nhiều bộ phận nhỏ. Những loại này đặc biệt nguy hiểm với trẻ em dưới 3 tuổi. Đồ chơi có các bộ phận nhỏ, vốn được thiết kế cho trẻ lớn hơn, có thể gây hóc, ngạt khi một em bé cho vào miệng.

Chơi đúng độ tuổi

Thật không may, không phải loại đồ chơi nào cũng an toàn hoặc phù hợp với lứa tuổi. Tai nạn thường xảy ra khi một món đồ chơi bị sử dụng sai cách, hoặc được chơi bởi một đứa trẻ còn quá bé so với quy định cho loại đồ chơi đó. Vấn đề rất đáng quan tâm là những nỗ lực nhằm bảo vệ các thành viên nhỏ tuổi nhất của xã hội.

“Quyền được an toàn là quyền tối thượng của người tiêu dùng”, ông Antonio Bonacruz, Điều phối viên kiểm định sản phẩm dành cho trẻ em tại CHOICE – Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Australia cho biết. Người tiêu dùng luôn kỳ vọng các đồ chơi đều an toàn. Các nhà sản xuất đồ chơi phải đảm bảo rằng sản phẩm của họ phù hợp với độ tuổi trẻ mà họ hướng tới.”

Các nhà sản xuất đồ chơi cần biết rằng trẻ em ở các độ tuổi khác nhau có những khả năng, sở thích, ưu tiên và thế mạnh khác nhau. Họ cũng cần biết rằng sự an toàn của trẻ phụ thuộc vào việc chúng có nhận được những món đồ chơi phù hợp với các đặc điểm bản thân. Bonacruz giải thích “Nhà cung cấp đồ chơi phải nêu rõ độ tổi phù hợp với sản phẩm, và họ phải xác định điều đó dựa trên các nguồn thông tin đáng tin cậy, như các tiêu chuẩn hay đánh giá chuyên môn, chứ không phải dựa trên phỏng đoán, và càng không phải chỉ là làm cho có.”

Xác định độ tuổi là một yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo rằng đồ chơi phù hợp và an toàn với những “người dùng” nhỏ tuổi, theo Tiến sĩ Pratik Inchhaporia, Giám đốc Kỹ thuật khu vực Bắc Mỹ của Intertek, Tập đoàn cung cấp dịch vụ kiểm định chất lượng. “Phân loại đồ chơi theo độ tuổi là rất quan trọng nhằm giúp các nhà sản xuất thiết kế đồ chơi dành cho đối tượng mục tiêu, và đảm bảo rằng đồ chơi đó cần đáp ứng các yêu cầu nhất định về độ an toàn”, ông giải thích.

Các biện pháp bảo vệ an toàn và các tiêu chuẩn nhằm định hướng cho việc xác định độ tuổi phù hợp cho từng loại đồ chơi có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo sự an toàn của các loại đồ chơi trên thị trường. Những biện pháp đảm bảo an toàn này cũng có thể góp phần giảm thiểu các chấn thương liên quan tới đồ chơi.

Các tiêu chuẩn khác nhau

Phân loại đồ chơi theo độ tuổi từ lâu vẫn là một trong những nhiệm vụ mang tính chủ quan hơn với các nhà sản xuất, nhà bán lẻ, nhập khẩu và các phòng kiểm định. Các tiêu chuẩn quốc gia và khu vực có tiêu chí khác nhau chỉ làm vấn đề trở nên phức tạp hơn vì không có một nguồn thông tin đáng tin cậy thống nhất.

Bonacruz thừa nhận rằng sự đa dạng trong các quy định và tiêu chuẩn về đồ chơi và games giữa các nước và khu vực có thể gây khó khăn cho nhà sản xuất. Đề cập tới một số các tiêu chuẩn khác nhau, ông nói “Nhiều thập kỷ qua, chúng ta luôn thiếu một nguồn thông tin đáng tin cậy nhằm định hướng cho việc xác định độ tuổi trẻ em phù hợp với một món đồ chơi nào đó. Cũng có các tài liệu tham khảo, nhưng hầu hết đều đã quá cũ. Ở một số khu vực khác, thậm chí không có sự thống nhất trong cách xác định độ tuổi theo sản phẩm.”

Bỏ qua việc thiếu các tiêu chuẩn đồng nhất, một số nhà sản xuất đồ chơi cũng có thể đối mặt với những bất lợi do quy mô sản xuất.

Các nhà sản xuất có quy mô càng hơn, có lẽ là cả các cơ quan nhà nước, đều có chuyên gia thực hiện việc xác định tuổi, trong khi đó những cơ sở sản xuất nhỏ hơn thì không.

Mặc dù vậy, việc xác định độ tuổi là một khâu rất quan trọng trong việc phân phối đồ chơi và các sản phẩm dành cho trẻ em vì một số nguyên nhân.

Tạo niềm tin

Nhằm đưa ra những tiêu chuẩn toàn cầu về sự an toàn của đồ chơi, ISO đã công bố bộ tiêu chuẩn ISO/TR 8124-8 giúp xác định độ tuổi thấp nhất trẻ em có thể được chơi đồ chơi với sự phân loại chi tiết, dựa trên các giai đoạn phát triển và khả năng của trẻ. Tiêu chuẩn ISO/TR 8124-8 là phần thứ 8 trong loạt tiêu chuẩn ISO/TR 8124 về sự an toàn của độ chơi, mang lại một giải pháp toàn diện cho vấn đề về phân chia độ tuổi, dựa trên số đo chiều cao, sự phát triển và hành vi của trẻ

Chúng ta hãy cùng đảm bảo an toàn và an ninh cho trẻ

Bảy phần kia của bộ tiêu chuẩn này nêu rõ những yêu cậu hoặc các phương pháp kiểm tra các chỉ số độc hại khác nhau ở đồ chơi phụ thuộc nhiều vào độ tuổi mà nhà sản xuất hướng tới. Những tiêu chuẩn này ngày càng được áp dụng nhiều trong quá trình xây dựng yêu cầu đối với việc sản xuất đồ chơi trên toàn cầu, và ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng cũng được đưa vào các bộ tiêu chuẩn và quy định ở cấp quốc gia.

Trong một báo cáo mới đây, Ichahaporia nói “Bộ tiêu chuẩn ISO/TR 8124-8 rất cô đọng và dễ sử dụng để đánh giá sự phân độ tuổi cho trò chơi. Ngoài ra, vì bộ tiêu chuẩn này mới được xây dựng với sự tham gia của nhiều bên liên quan, bao gồm những người có thẩm quyền, nhà sản xuất, bên cung cấp dịch vụ, vì vậy các dữ liệu và thông tin đều mới được cập nhật”

Vậy bộ tiêu chuẩn ISO này được thị trường đón nhận ra sao? Liệu các nhà sản xuất đồ chơi có áp dụng nó không?

Sản xuất sản phẩm an toàn

Hasbro, một trong những hãng đồ chơi lớn nhất thế giới, mỗi năm sản xuất hàng triệu đồ chơi cho trẻ em ở mọi lứa tuổi trên toàn thế giới. Công ty này đã áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO/TR 8124-8 trong quá trình phân loại đồ chơi theo tuổi của trẻ.

Lisa Deluise, thuộc bộ phận Phân tích Chất lượng Sản phẩm của Hasbro, giải thích: “ISO/TR 8124-8 cho chúng tôi thêm một công cụ quan trọng để phân biệt độ tuổi cho sản phẩm ở lứa tuổi thấp hơn. Bộ tiêu chuẩn này cũng là tài liệu mới nhất có phần hướng dẫn sử dụng cho công nghệ mới, như thiết bị điện tử, máy tính và phần mềm) được tích hợp trong trò chơi.”

Deluise nói việc mời một nhóm chuyên gia quốc tế tư vấn và giám sát quá trình áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO/TR 8124-8 giúp cho công ty của cô nổi bật với các nhà sản xuất khác. “Báo cáo kỹ thuật là khâu quan trọng trong Hasbro, vì đó là một tài liệu cấp quốc tế, tập hợp các quan điểm và các nền văn hóa khắp thế giới. Ở Hasbro, việc lập tiêu chuẩn đón đầu như thế này là rất quan trọng.”

Bộ phận Kiểm định Chất lượng của Hasbro không phải đơn vị duy nhất tin rằng bộ tiêu chuẩn ISO/TR 8124-8 là một bước tiến quan trọng để đạt được các tiêu chuẩn đồ chơi an toàn toàn cầu. Về góc độ phù hợp toàn cầu, Bonacruz nhận xét: “Tôi cho rằng bộ tiêu chuẩn ISO/TR 8124-8 là tài liệu đầu tiên quốc tế hóa việc phân loại đồ chơi theo độ tuổi. Được xây dựng ở cấp quốc tế và ra mắt theo tiêu chuẩn ISO, tôi tin rằng tài liệu này sẽ được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới.”

Rõ ràng báo cáo kỹ thuật sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà làm luật cũng như ngành sản xuất đồ chơi, nếu người tiêu dụng tôn trọng những lời cảnh báo trên sản phẩm. Tuy nhiên tiếc thay, đôi khi họ lại không như vậy.

Trách nhiệm của phụ huynh

Điều gì khiến người lớn không cố chăm chăm tìm món đồ chơi cho một đứa trẻ hơn 2 tuổi ở khu vực dành cho trẻ lớn hơn? Người lớn có thể không biết rằng những bộ phận nhỏ, có thể khiến trẻ 2 tuổi bị hóc, chính là những thứ giúp xác định độ tuổi của trẻ chứ không phải dựa trên khả năng nhận thức của trẻ. Thậm chí họ còn căn cứ cả trên kích cỡ mảnh vỡ của những món đồ chơi này.

Thị trường có cả triệu loại đồ chơi, hang trăm loại mới ra mắt mỗi ngày. Việc nhà sản xuất dán nhãn cảnh báo trên đồ chơi là một chuyện, phụ huynh có thực hiện theo không lại là chuyện khác. Chẳng hạn, dán nhãn ghi rõ “không dành cho trẻ dưới 3 tuổi”, không phải là vì nhà sản xuất cho rằng món đồ chơi đó vượt quá khả năng hiểu biết với một trẻ 24 tháng tuổi, mà là vì món đồ chơi đó nhỏ, hoặc có các chi tiết nhỏ, có thể gây hóc.

Bằng cách lựa chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi, cũng giống như việc bắt trẻ con đội mũ bảo hiểm, phụ huynh đã giảm thiểu được nguy cơ chấn thương cho con em mình. Rốt cuộc, đồ chơi nên giúp trẻ được vui chơi, chứ không phải để gây hại cho trẻ. Vì vậy chúng ta hãy cùng nhau mang lại sự ant toàn cho trẻ.

(Biên dịch theo iso.org)

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận