Hội thảo do Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Cục Công tác phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 31/10 tại TPHCM.
GS. Võ Tòng Xuân đưa ra ví dụ điển hình do không đăng ký thương hiệu, nhiều sản phẩm nối tiếng trong nước đã bị công ty khác chiếm và đăng ký quốc tế như cà phê Trung Nguyên, thuốc lá Vinataba, bánh Bibica, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc,…
“Thương hiệu là yếu tố chính quyết định uy tín của sản phẩm, ảnh hưởng đến giá thành và sự lựa chọn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây lại là yếu tố ít được các doanh nghiệp Việt Nam dày công xây dựng nhất” - GS. Võ Tòng Xuân nói. Kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ, luật bảo hộ giống cây trồng, vật nuôi của người dân còn hạn chế, trong khi đó thủ tục đăng ký bản quyền sản phẩm nông nghiệp còn rườm rà, mất thời gian.
GS.Võ Tòng Xuân - HIệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ
Trước thực tế đó, theo GS. Võ Tòng Xuân, nông nghiệp Việt Nam phải sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp. Muốn làm được điều này, vai trò của các cơ quan quản lý rất quan trọng để nông dân gắn kết với nông dân, nông dân gắn kết với doanh nghiệp. Nhà khoa học thì tập trung nghiên cứu ra những giống cây con mới, năng suất, chất lượng cao để phục vụ sản xuất. GS. Võ Tòng Xuân nhấn mạnh, doanh nghiệp nên tìm thị trường trước với đầu ra chắc chắn, sau đó làm việc với chính quyền địa phương, người dân để sản xuất theo đúng quy trình mà nhà khoa học đã cung cấp.
Diễn giả trình bày tham luận tại Hội thảo.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Hội nông dân Việt Nam, là một nước có nhiều nông sản nhưng tính đến 31/7/2018, Cục Sở hữu trí tuệ mới bảo hộ cho 62 chỉ dẫn địa lý quốc gia và 6 chỉ dẫn địa lý nước ngoài. Hiện có 37 tỉnh, thành phố có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Tuy nhiên, số lượng và chỉ dẫn địa lý được bảo hộ của Việt Nam vẫn đứng sau Thái Lan. Việc đăng ký chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài còn rất hạn chế, trong khi đây là hoạt động quan trọng để bảo vệ thị trường nông sản của Việt Nam ở nước ngoài.
Để phát triển thương hiệu cho các đặc sản, ông Sơn cho rằng, các địa phương cần vận động bà con ở vùng đặc sản cùng nhau chung sức xây dựng, bảo vệ thương hiệu truyền thống, tránh tình trạng mạnh ai người ấy làm dẫn dến tự cạnh tranh nhau, làm mai một danh tiếng đặc sản, thương hiệu. Đồng thời, chính quyền địa phương cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ bà con chọn lựa, khôi phục cây giống để giữ được đặc sản đúng truyền thống. Ngoài ra, khi đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, cần quản lý, khai thác tốt, tránh tình trạng lạm dụng danh tiếng đặc sản địa phương làm ăn gian dối.
Trong khi đó, ông Trần Giang Khuê – Phụ trách Văn phòng phía Nam Cục Sở hữu trí tuệ, thì nhấn mạnh, doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển thương hiệu một cách bài bản, thành lập bộ phận chuyên trách về sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu để giải quyết những vấn đề phát sinh.
Theo: khoahocphattrien.vn