02:56 | 29-04-2016

Phối hợp hành động chống xâm phạm quyền SHTT *

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh phát biểu
tại lễ tổng kết Chương trình

Sáng 28/4/2016, tại Hà Nội, Bộ KH&CN, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính; Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông; Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức tổng kết Chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) giai đoạn II (2012-2015).

Chủ trì Hội nghị tổng kết, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh nhấn mạnh đến mục đích, ý nghĩa của Chương trình: “Với mục tiêu phát huy hiệu quả Chương trình 168 về phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2006-2010 và tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi quyền SHTT trong giai đoạn 2012-2015, 09 bộ/ngành đã cam kết cùng phối hợp hành động nhằm nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT, với các nội dung cơ bản: Đẩy mạnh hợp tác pháp lý và trao đổi thông tin; đẩy mạnh hoạt động phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; hợp tác đào tạo và tăng cường năng lực cán bộ thực thi; tăng cường hợp tác quốc tế về SHTT. Sau một thời gian hoạt động, Chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền SHTT đã đạt được những kết quả đáng khích lệ”.

Ở phạm vi quốc gia, Chương trình đã tạo được sự liên kết giữa các bộ/ngành có thẩm quyền thực thi quyền SHTT. Đặc biệt hoạt động hợp tác pháp lý và trao đổi thông tin thường xuyên giữa các bộ/ngành (thông qua cầu nối là Ban Thường trực Chương trình) đã tạo nên dấu ấn rõ rệt, làm cho văn bản pháp lý do các bộ/ngành ban hành hoặc phối hợp ban hành rõ ràng về mặt nội dung, hạn chế được chồng chéo và tạo môi trường minh bạch, hiệu quả hơn cho hoạt động thực thi quyền SHTT.

Trên phương diện quốc tế, Chương trình bước đầu đã tạo dựng được ấn tượng về mối liên hệ và tính thống nhất trong hoạt động thực thi quyền SHTT tại Việt Nam. Như vậy, kể từ khi được triển khai, Chương trình 168 đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi quyền SHTT, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới. Mặc dù còn có những tồn tại cần khắc phục, nhưng hiệu quả mà các hoạt động của Chương trình mang lại là rất đáng ghi nhận và cần được tiếp tục phát huy trong thời gian tới nhằm khẳng định sự nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết quốc tế về SHTT khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, đặc biệt là việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi Hiệp định TPP có hiệu lực.

Một số kết quả nổi bật trong việc thực hiện Chương trình 168 giai đoạn II

- Hợp tác pháp lý và trao đổi thông tin: T rình Quốc hội ban hành 04 Luật (Luật KH&CN; Luật hải quan; Luật Xuất bản và Luật Quảng cáo); trình Chính phủ ban hành 16 Nghị định và trực tiếp ban hành 16 Thông tư. Các bộ, ngành đã phối hợp triển khai xây dựng nhiều văn bản pháp luật về bảo hộ và thực thi quyền SHTT.

- Phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm: Thanh tra, kiểm tra và tiếp nhận 25.966 vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT, sản xuất, buôn bán hàng giả; xử lý vi phạm hành chính 25.543 vụ việc, phạt tiền 23.197 vụ việc, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 97 tỷ đồng; khởi tố 381 vụ với 553 bị can; xét xử 55 vụ (12 vụ án hình sự).

- Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: Tịch thu, buộc tiêu huỷ, loại bỏ yếu tố vi phạm đối với 980 tấn thực phẩm chức năng, 80.900 tấn phân bón; 45.678 hộp mỹ phẩm; gần 27.000 sản phẩm thuốc tân dược; 523.000 bao thuốc lá; 160.559 đĩa CD-VCD không tem nhãn có nguồn gốc nhập lậu, hàng triệu sản phẩm điện, điện tử...

- Tuyên truyền, giáo dục về SHTT: Bộ KH&CN (trực tiếp là cơ quan Thanh tra Bộ) đã xây dựng trang tin điện tử cho Chương trình 168 giai đoạn II, dưới tên viết tắt IPNAP theo yêu cầu của Chương trình và được đăng tải trên website của Thanh tra Bộ KH&CN tại địa chỉ: http://thanhtra.most.gov.vn/vi/ipnap.

- Hợp tác quốc tế về SHTT: kết hợp với các đối tác nước ngoài tổ chức nhiều sự kiện về thực thi quyền SHTT như Tổ chức SHTT thế giới (WIPO); Hiệp hội Nhãn hiệu quốc tế (INTA); Bộ Kinh tế Công nghiệp Nhật Bản (METI); Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO); Hội SHTT Nhật Bản (JIPA); Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV); Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), Tổ chức Cảnh sát quốc tế (INTERPOL); Dự án KOICA Hàn Quốc...

Theo: tiasang.com.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận