01:33 | 06-02-2017

Sở hữu trí tuệ - Cầu nối Việt Nam đến thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh đang tạo biểu tượng nút like thể hiện cho tinh thần sáng tạo số trong sở hữu trí tuệ khi tham gia kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (IP Day 2016) cùng các sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Loan Lê
Báo cáo đề xuất ba trụ cột phát triển hướng đến nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy công bằng, dân chủ, giúp Việt Nam chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng hiện nay dần sang tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu.
Điều đáng mừng là đã có sự thống nhất nhận thức trong xã hội, giữa các cấp, các ngành, các chủ thể, nhất là các nhà quản lý và giới doanh nhân về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế phải dựa vào vai trò then chốt của khoa học và công nghệ.
Phát triển khoa học và công nghệ hiện nay đang dần bắt nhịp với xu hướng phát triển kinh tế của đất nước khi tập trung vào các hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D), ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh thương mại hóa các kết quả R&D trên “tinh thần khởi nghiệp”... làm nền tảng và động lực cho mô hình tăng trưởng kinh tế mới. Ở đây, một trong các yếu tố quan trọng nhất đối với sự phát triển kinh tế là sở hữu trí tuệ và điều này đã được khẳng định qua kinh nghiệm của các nước phát triển.
Ấn phẩm “Cẩm nang Sở hữu trí tuệ - chạm vào tài sản vô hình” có một cách tiếp cận sáng tạo, đơn giản những vấn đề hết sức phức tạp của sở hữu trí tuệ trong mối quan hệ cụ thể với tài sản trí tuệ và tài sản vô hình.
Có thể nói, cẩm nang là bức tranh chấm phá về những trường hợp điển hình, các thống kê thú vị và những nhân vật thành danh trên thế giới và Việt Nam. Sự sinh động trong cách thể hiện là yếu tố quan trọng giúp đưa ấn phẩm này đến với các độc giả khát khao sáng tạo, mong muốn làm chủ và khai thác một cách hiệu quả tài sản trí tuệ, tài sản vô hình được đảm bảo bằng quyền sở hữu trí tuệ.
Việc phát hành “Cẩm nang sở hữu trí tuệ - Chạm vào tài sản vô hình” càng có ý nghĩa khi đến tay độc giả đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) và Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).
Để việc nhận thức được đầy đủ hơn, thông điệp Ngày Sở hữu trí tuệ 2016 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) gửi đến tất cả các quốc gia thành viên là “Sáng tạo số: Tái hiện văn hóa”: “Tái hiện văn hóa - cách chúng ta tạo ra, tiếp cận và đầu tư cho văn hóa - không phải không có những thách thức. Thách thức của một hệ thống sở hữu trí tuệ có tính linh hoạt và có khả năng thích ứng là làm sao đảm bảo rằng các nghệ sĩ và các ngành công nghiệp sáng tạo trong thế giới số có thể nhận được thù lao tương xứng cho các tác phẩm của mình, nhờ đó họ có thể tiếp tục sáng tạo”.
Điều này cho thấy, sở hữu trí tuệ nếu được sử dụng một cách hiệu quả sẽ đóng góp tích cực không chỉ đối với tăng trưởng kinh tế mà còn là một yếu tố quan trọng đối với phát triển văn hóa, xã hội và con người, qua đó khẳng định vai trò là một cầu nối vững chắc đưa Việt Nam đến thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ vào năm 2035.
Muốn vậy, ngay từ bây giờ, mỗi người chúng ta hãy tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ của mình, cùng nhau tạo dựng môi trường sáng tạo lành mạnh nhằm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo: khoahocphattrien.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận