Nhà sáng chế trẻ Tạ Đình Huy ở Chương Mỹ (Hà Nội) đã bán ra khắp cả nước hơn 1.000 máy nông nghiệp đa năng “12 trong 1”. Ảnh: Quang Trần.
Nông dân trẻ sáng tạo
Học xong cấp 3, anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1980) ở thôn Pò Nim, xã Cường Lợi (Na Rì, Bắc Kạn) đi học nghề sửa chữa xe máy để lập nghiệp. Từ kiến thức về máy móc, anh có ý tưởng chế tạo chiếc máy đa năng, cải tiến máy xới cho phù hợp với địa hình canh tác ở địa phương.
Anh Tuấn cho biết, anh bắt tay chế tạo chiếc máy cào cỏ, vun ngô vào năm 2011. Sau đó, anh tiếp tục mày mò và hoàn thiện thêm nhiều công năng, có thể sử dụng ở nhiều địa hình, công việc khác nhau, máy có thể đánh rạch, tra hạt giống, tra phân bón và lấp đất...
Nhìn thấy hiệu quả, chi phí vận hành thấp, nhiều hộ dân trong huyện đã tìm tới đặt mua loại máy đa năng của anh Tuấn. “Nếu sử dụng máy để cuốc xới đất, một ngày phải tương đương với năng suất của hơn 10 lao động”, anh Tuấn nói.
Một nông dân trẻ khác là anh Tạ Đình Huy (SN 1983) ở thôn An Mỹ, xã Thương Vực (Chương Mỹ, Hà Nội)- người sáng chế chiếc máy đa năng “12 trong 1”, sử dụng động cơ xe máy cũ. Từ niềm đam mê cơ khí, chế tạo, anh Huy đã khởi động sáng chế từ năm 2005 với chiếc máy 2 công năng là bơm nước và phun thuốc.
Kiên trì với những sáng tạo, nâng cấp dần, đến năm 2014, anh cho ra đời chiếc máy nông nghiệp “8 trong 1” gồm: Cày, bừa, xới tơi đất, rạch luống, gieo hạt, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu, bơm nước tưới tiêu. Và đến nay, anh Huy tiếp tục gây bất ngờ, khi nâng công năng của máy lên tới “12 trong 1”, thêm việc đào bùn cà phê, đảo phân vi sinh, cấy lúa, di chuyển vật nặng trong vườn.
Thiết kế nhỏ gọn, sử dụng động cơ xe máy cũ và động cơ diezen chuyên dụng nên tiết kiệm nhiên liệu, dễ sửa chữa, thay thế phụ tùng… máy nông nghiệp đa năng của Tạ Đình Huy cho hiệu năng gấp 20 lần sức người. Chỉ 3 năm gần đây, anh Huy đã bán hơn 1.000 máy đa năng trên khắp cả nước.
Tại TPHCM, anh Nguyễn Trung Lập (SN 1982) ở ấp 5, xã Bình Mỹ (Củ Chi), sáng chế, cải tiến thành công máy “nhịp tim” trong máy vắt sữa bò dù chưa qua trường lớp nào. Lập đã cải tiến bộ phận “nhịp tim” của máy vắt sữa bình thường, giúp cải thiện tình trạng nhiễm vi sinh từ sữa mới vắt ra. Thao tác vệ sinh máy vắt sữa đơn giản hơn, giảm chi phí cho việc bảo trì, thay thế “nhịp tim”.
Nhà sáng chế “hai lúa”
Một điển hình khác là ông Nguyễn Văn Hoàn, thôn Tiền Phong, xã Phú Lâm (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang), được bà con trong vùng gọi là nhà sáng chế “chân đất”. Gắn bó, trăn trở để tạo ra sản phẩm chè sạch, không cần phun thuốc trừ sâu, ông đã sáng chế máy hút sâu chè.
Ông Hoàn đã mua máy cắt cỏ của Nhật Bản trên thị trường, cải tiến lưỡi dao ngắn, to bản của máy cắt thành lưỡi cắt có hình chữ S và bản nhỏ.
Cải tiến đó đã biến chiếc máy cắt cỏ thành máy đốn chè hiệu quả, năng suất cao hơn nhiều so với đốn bằng tay. “Tiếng lành đồn xa”, bà con đặt hàng nhiều, ông đã mua thêm máy hàn, khoan, máy cắt kim loại…để chế tạo hàng nghìn lưỡi dao đốn chè phục vụ bà con địa phương và vùng lân cận.
Trong khi đó ông Nguyễn Cao Thượng, ở Vĩnh Phước 1, thị trấn Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang) lại chế ra dàn máy phun thuốc trừ sâu kết hợp sạ lúa theo hàng. Dàn máy dùng 2 động cơ xe máy cùng công suất 4,5 HP, hoạt động độc lập. Chiếc máy có thể phun thuốc bảo vệ thực vật, sạ hàng nhanh, giảm được lượng lúa giống. Dàn máy có kết cấu gọn nhẹ, công suất trung bình 15ha/ngày…
Chiếc máy của ông Thượng được bà con nông dân rất chuộng, vì hiệu quả hơn so với các máy phun thuốc trừ sâu tương tự trên thị trường. Chỉ sau một thời gian ngắn thử nghiệm, ông đã bán được gần 50 máy cho bà con trong và ngoài tỉnh, đồng thời xuất khẩu sang cả Lào, Campuchia.
Theo: tienphong.vn