01:02 | 05-07-2016

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh “Đoàn kết – Gương mẫu – Sáng tạo – Hiệu quả”

Trong thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng lãnh đạo và các cán bộ trong Trung tâm đã đoàn kết, gắn bó cùng nhau thi đua với khẩu hiệu "Đoàn kết - Gương mẫu - Sáng tạo - Hiệu quả". Trung tâm đã có những thành tích đóng góp nhất định vào công cuộc xây dựng và đổi mới của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và đất nước nói chung, góp một phần quan trọng vào sự phát triển của ngành KH&CN.


Xây dựng mô hình sản xuất chế biến nước mắm bằng năng lượng mặt trời – Giải pháp nâng cao chất lượng nước mắm (Ảnh: PV)


Giai đoạn 2005 - 2015, Trung tâm thực hiện nghiên cứu triển khai 17 đề tài, dự án KH&CN. Kết quả đều có tính ứng dụng cao vào thực tiễn sản xuất và đời sống như: Nâng cao hiệu quả và giúp chủ động nguồn giống trong sản xuất lạc một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh; Sản xuất, cung ứng một số giống và hoa thương phẩm như Đồng tiền, Lily, Loa kèn, Cúc; Nghiên cứu công nghệ chế biến nước mắm bằng phương pháp cấp nhiệt cho bể muối nước mắm bằng năng lư¬ợng mặt trời, kết quả đã rút ngắn thời gian sản xuất nước mắm còn 6-8 tháng, thay vì 10-12 tháng như trước đây, thu được lượng nước mắm cốt nhiều hơn 30% so với sản xuất theo truyền thống, giảm công lao động 20 lần, đảm bảo An toàn VSTP, chất lượng nước mắm cao hơn nhiều, hiện nay đã được nhân rộng ứng dụng tại các địa phương có truyền thống sản xuất nước nắm như: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Nghi Xuân; Chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình đưa được một số nghề mới vào sản xuất nông nghiệp nhằm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân như: nuôi lợn rừng, nuôi ong lấy mật, nuôi nhím, sản xuất phân hữu cơ vi sinh, trồng hoa, trồng và chế biến cây dược liệu, sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu…; Cải tạo đất, hạn chế thoái hóa đất và hoang mạc hóa trên vùng cát ven biển tại xã Thạch Văn. Xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho khu tái định cư Vũng Áng, những mô hình đã giúp cho người dân vùng tái định cư có thêm một số công việc mới phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân khi không còn diện tích đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Thực hiện nhiệm vụ khai thác và phát triển nguồn gen Mộc hoa trắng và Xích đồng nam tại Hà Tĩnh làm nguyên liệu sản xuất thuốc. Tiến hành khảo sát, nghiên cứu các chuyên đề về đặc điểm nông sinh học và giá trị sử dụng, giá trị dược liệu của cây mộc hoa trắng và xích đồng nam, xây dựng tiêu chuẩn cây giống gốc, quy trình nhân giống từ hom thân và từ hạt. Bảo tồn, lưu giữ và sản xuất các giống cây bằng công nghệ nuôi cấy mô nhằm duy trì và phát triển công nghệ nuôi cấy mô sản xuất cây giống chất lượng cao. Lưu giữ và bảo tồn, nhân giống các giống cây: Cúc, đồng tiền; phong lan (vũ nữ, hồ điệp; denđro); keo lai (BV10; BV33; BV75); chuối (laba; tiêu hồng)....


Hệ thống dây chuyền sản xuất chế phẩm Hatimic tự động tại Trung tâm; Ảnh: HP



Thực hiện 02 Dự án hợp tác quốc tế theo Nghị định thư: Dự án Chuyển giao công nghệ xây dựng mô hình xử lý nước sinh hoạt và Năng lượng mới cho hai tỉnh Bôlykhamxay, Khămmuộn và Uỷ ban KHCN&MT Lào; Dự án Hợp tác nghiên cứu xây dựng mô hình Thuỷ điện nhỏ và vườn ươm sản xuất giống cây dó trầm cho 2 tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn nước CHDCND Lào. Việc hỗ trợ các dự án hợp tác quốc tế đã được Ủy ban nhân dân hai tỉnh ghi nhận và đánh giá rất cao và đơn vị cũng như một số cá nhân trong đơn vị được Ủy ban hai tỉnh tặng Bằng khen ghi nhận đóng góp giúp đỡ hai tỉnh trong vấn đề KH&CN trong những năm qua.

Thực hiện Đề án "Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất phân hữu cơ vi sinh giai đoạn 2014 - 2016, định hướng đến năm 2020": phối hợp với các huyện, thị, thành phố, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức trên 300 lớp tập huấn về sản xuất phân hữu cơ từ chế phẩm vi sinh Hatimic. Tuy Đề án mới triển khai 02 năm nhưng đã có nhiều kết quả khả quan, phong trào sử dụng phân hữu cơ vi sinh được chú trọng: tất cả các huyện, thị xã, thành phố đã đưa việc ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất phân hữu cơ vi sinh sản xuất vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và giai đoạn 2016 - 2020. Tổng lượng chế phẩm vi sinh được sử dụng trên 85.000 gói (tương đương 17 tấn), sản xuất được trên 60.000 tấn phân hữu cơ vi sinh và xử lý môi trường chăn nuôi cho hơn 2.800 chuồng chăn nuôi quy mô nông hộ tại các địa phương trong tỉnh, Tiết kiệm được xấp xỉ 42 tỷ đồng tiền mua phân bón cho người dân.

Việc tổ chức triển khai Đề án đã góp phần nâng cao ý thức và kiến thức kỹ thuật cho người dân trong việc bảo vệ môi trường, tái sử dụng hợp lý các phế thải nông nghiệp làm phân bón, hạn chế tình trạng đốt hoặc xả bừa bãi các loại phế thải nông nghiệp ra đường giao thông, công trình thuỷ lợi gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, cản trở tưới tiêu nước, đặc biệt là giảm được lượng phân bón hóa học để hạn chế ô nhiễm, tạo ra sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường góp phần bảo vệ môi trường và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ bền vững.

Về dịch vụ KH&CN, Trung tâm đã chủ động tìm kiếm và ký hợp đồng triển khai hàng chục dịch vụ KH&CN nhằm tăng nguồn thu, tạo thêm công việc làm cho cán bộ và giúp các cơ sở giải quyết những vấn đề về KHCN&MT. Doanh thu từ dịch vụ trong 5 năm đạt hơn 10 tỷ đồng.

Nhìn lại chặng đường phát triển trong thời gian vừa qua, đơn vị luôn đạt tập thể lao động tiên tiến, tiên tiến xuất sắc, nhiều cán bộ được vinh danh và nhận được Bằng khen của UBND tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Bolikhamxay, tỉnh Khăm muộn, Bộ Khoa học và Công nghệ và một số Bộ, ngành khác, nhiều năm liền là đơn vị Lao động xuất sắc của tỉnh. Đặc biệt, năm 2015 Trung tâm được UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho Tập thể và 01 cá nhân.

Những kết quả và phần thưởng quý giá trên đã minh chứng cho những nỗ lực mà tập thể cán bộ Trung tâm đã lao động, sáng tạo, cống hiến trong thời gian qua, đồng thời cũng là động lực cho mỗi cá nhân vững bước trên chặng đường phát triển và hội nhập trong thời gian tới./.

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận