Chưa xây dựng được thương hiệu riêng nên cam Khe Mây còn gặp khó trong vấn đề tiêu thụ.
Thật - giả lẫn lộn
Vào mùa thu hoạch cam, tuần nào chị Trần Thị Hương (Nghi Xuân) cũng đặt cam Khe Mây với số lượng khá lớn để bán ra thị trường ở huyện Nghi Xuân và TP Vinh (Nghệ An). Tuy sản phẩm lấy một nơi nhưng lại được thương lái quảng cáo một nẻo. Khi được hỏi, chị Hương không giấu giếm: Với nhiều người ngoại tỉnh thì cam Khe Mây còn khá xa lạ, trong khi cam Vinh là thương hiệu lâu năm, người tiêu dùng đã quá quen thuộc. Vì vậy, tôi đành gọi là… cam Vinh cho dễ tiêu thụ. Vậy là chỉ qua vài lời “có cánh” của thương lái, cam Khe Mây của Hà Tĩnh nghiễm nhiên trở thành cam Vinh và nhiều người hàng ngày thưởng thức cam Khe Mây mà chẳng hay biết.
Trước sự hỗn loạn của thị trường, cam Khe Mây hiện đang bị giả mạo rất nhiều. Nhiều quán cóc ven đường ở Hà Tĩnh bày bán nhiều loại cam và khi khách hàng hỏi mua đều được người bán giới thiệu là cam Khe Mây. Tuy vậy, chất lượng quả không đảm bảo nên vô tình để lại ấn tượng không tốt với loài đặc sản này. Đó cũng là lý do mà nhiều người cho rằng, cam Khe Mây cũng chỉ “thường thôi”…
Rõ ràng, một khi bị “đánh cắp thương hiệu”, bị đánh đồng về chất lượng…, hình ảnh cam Khe Mây đã trở nên mờ nhạt trên thị trường.
Cam Khe Mây còn khá xa lạ với nhiều người ngoại tỉnh
Cần sớm xây dựng thương hiệu
Hương Khê hiện có 1.857 ha cam, tập trung nhiều ở các xã Lộc Yên, Hương Trà, Hương Thủy… Đặc biệt, Hương Đô được ví như “thủ phủ cam” bởi đặc sản cam Khe Mây thơm ngon nức tiếng. Cam Khe Mây đã tồn tại hàng chục năm trời, song lại chưa có thương hiệu riêng nên còn nhiều khó khăn trong tiêu thụ.
Ông Lê Tiến Đài - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê cho biết: “Cam hiện nay chủ yếu được mua bởi thương lái hoặc nông dân bán nhỏ lẻ ở các chợ, chưa có sự kết nối trong tiêu thụ. Mấy năm nay, DN tư nhân Tân Thanh Phong (TP Hà Tĩnh) thu mua nhưng số lượng cũng chưa đáng kể. Kết quả là nông dân vẫn thấp thỏm theo sự lên xuống của thị trường”.
Mấy năm qua, DNTN Tân Thanh Phong thu mua cam Khe Mây, song số lượng chưa đáng kể.
Theo ông Đinh Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Hương Đô, toàn xã hiện có 270 ha cam, trong đó, 150 ha đã cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở vùng Khe Mây; vấn đề tiêu thụ sản phẩm vẫn khó khăn, sức cạnh tranh ở thị trường ngoại tỉnh còn hạn chế. Đặc biệt, năm nay, do ảnh hưởng của mưa lũ khiến cam rụng nhiều, sản lượng giảm khoảng 30% so với năm 2015, chất lượng kém hơn là điều không tránh khỏi. Chất lượng sản phẩm giảm càng khiến tư thương ép giá.
Được biết, DN tư nhân Tân Thanh Phong thời gian qua đã bao tiêu cam Khe Mây để cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, DN này cũng “kêu khó” khi nói về vấn đề thương hiệu. Ông Hà Tiến Dũng - Giám đốc DN tư nhân Tân Thanh Phong cho hay: “Năm nay, tôi đã thu mua hơn 200 tấn cam, quýt ở Vũ Quang và Hương Khê, nhưng chủ yếu là những vườn có liên kết với DN. Thực tế cho thấy, nếu xây dựng được thương hiệu thì thuận lợi hơn cho DN trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm với khối lượng hàng hóa lớn”.
Như vậy, nếu để người sản xuất tự xoay xở và tìm kiếm thị trường sẽ rất khó và việc xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu cam Khe Mây đã trở thành vấn đề cần thiết hiện nay. Cần sự chung tay giúp đỡ của các cấp, ngành từ việc quy hoạch, sản xuất đến giới thiệu, quảng bá thương hiệu và tìm đầu mối tiêu thụ.
Bên cạnh nỗ lực của chính quyền, người dân cần mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã hay các hội để cùng nhau phát triển, mở rộng quy mô, xây dựng nhãn hiệu; đồng thời, tích cực tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, chú trọng sản xuất thâm canh nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường. Có như vậy, cam Khe Mây mới có thể vươn xa hơn và khẳng định được chỗ đứng đích thực.
Theo baohatinh.vn