Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là một trong các hiệp định điều chỉnh về thương mại hàng hóa với mục tiêu bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và thủ tục đánh giá sự phù hợp không phân biệt đối xử và không tạo ra các rào cản không cần thiết cho thương mại. Trong bối cảnh hiện nay, việc doanh nghiệp chủ động tham gia đánh giá sự phù hợp sản phẩm trong bối cảnh thương mại điện tử (TMĐT) là yêu cầu cấp thiết để phát triển và hội nhập.
Đánh giá sự phù hợp trong thương mại điện tử của các quốc gia
Trước sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực TMĐT, việc đánh giá sự phù hợp và thực hành tốt cho hàng hóa mua bán trực tuyến trở thành yêu cầu cấp thiết nhằm bảo vệ người tiêu dùng… Nhiều sáng kiến, chia sẻ đã được các quốc gia thành viên WTO thảo luận nhằm triển khai hoạt động đánh giá sự phù hợp trong TMĐT.
Mỹ cho rằng, thông tin an toàn sản phẩm và đánh giá sự phù hợp rất cần thiết cho khách hàng khi mua sắm trực tuyến. Để cung cấp thông tin về rủi ro cũng như an toàn sản phẩm cho người tiêu dùng, Mỹ đã đưa ra 3 chiến lược. Thứ nhất là thông tin, việc tiếp cận thông tin dễ dàng rất quan trọng cho người tiêu dùng để giúp họ đưa ra quyết định chính xác và đánh giá xem sản phẩm có đáp ứng yêu cầu hay không.
Chiến lược thứ hai tập trung vào đối tác công tư, phối hợp giữa các cơ quan quản lý của chính phủ, hải quan và các cơ quan, tổ chức thực thi pháp luật trong việc khẳng định kết quả chứng nhận, giảm thiểu các vấn đề liên quan tới sản phẩm nhái, gây rủi ro cho người tiêu dùng. Chiến lược thứ ba tập trung vào việc áp dụng quy chế thực hành tốt và vai trò của tiêu chuẩn quốc tế trong việc hướng dẫn quy chế thực hành tốt.
Tại Trung Quốc, các cơ quan quản lý cho rằng, có nhiều thách thức và khả năng tiếp cận đánh giá sự phù hợp trong TMĐT từ tổ chức chứng nhận và giám định bên thứ 3 độc lập, đặc biệt là việc đảm bảo sự phù hợp của sản phẩm (sự phức tạp trong chuỗi cung ứng, việc xác định tính xác thực của hàng hóa bị trả lại hoặc hàng hóa tân trang...). Những thách thức này ảnh hưởng đến khả năng xác minh tính an toàn của sản phẩm từ phía người tiêu dùng.
Để giải quyết những thách thức này, các biện pháp có thể áp dụng là đánh giá rủi ro bằng thuật toán và máy học, giáo dục nhận thức cho người bán và hải quan trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Trung Quốc cũng đề xuất ý tưởng về cách tiếp cận dựa trên dữ liệu để đánh giá sự phù hợp trong TMĐT và trao đổi trước dữ liệu về chất lượng sản phẩm dọc theo chuỗi cung ứng. Sau khi thông tin chất lượng sản phẩm được cung cấp một cách minh bạch, các bên tham gia trong chuỗi cung ứng TMĐT có thể công nhận thông tin đó. Dữ liệu sau thông quan cũng có thể được thu thập, bổ sung sau để đảm bảo thông tin liên tục về chất lượng sản phẩm. Trung Quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêu chuẩn quốc tế và chia sẻ 2 tiêu chuẩn hiện đang được xây dựng là ISO/PWI 20180 - Hướng dẫn trao đổi dữ liệu chất lượng sản phẩm dựa trên rủi ro trong TMĐT và ISO/DIS 32120 - Đảm bảo giao dịch trong TMĐT - Hướng dẫn chia sẻ thông tin truy xuất nguồn gốc liên quan đến đảm bảo chất lượng hàng hóa trong chuỗi cung ứng TMĐT.
Trung Quốc cũng thừa nhận vai trò quan trọng của đánh giá sự phù hợp trong việc thúc đẩy sự phát triển của TMĐT. Năm 2015, để giải quyết những lo ngại của người tiêu dùng về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm được bán trực tuyến, Cơ quan Quản lý Chứng nhận và Công nhận Trung Quốc (CNCA) đã ra mắt "Cầu nối đám mây chứng nhận và công nhận". Năm 2019, CNCA đã xây dựng mô hình “Đánh giá sự phù hợp + blockchain”, cho phép chuyển phương pháp thu thập thông tin từ thủ công sang tự động; lưu trữ kết quả đánh giá sự phù hợp và ghi lại dưới dạng blockchain; đánh giá mẫu đầy đủ. Những tính năng như vậy giúp tăng năng suất, tính minh bạch và độ chính xác của hoạt động đánh giá sự phù hợp.
Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra quy định về giám sát thị trường và tuân thủ sản phẩm (Reg. 2019/1020). Quy định này của EU cung cấp cho cơ quan giám sát thị trường quyền hạn và công cụ để đánh giá sự tuân thủ của các sản phẩm được bán trực tuyến; đồng thời có biện pháp xử lý nếu sản phẩm không tuân thủ các quy định đó. Ngoài ra, đối với một số lĩnh vực cụ thể, EU yêu cầu doanh nghiệp phải có văn phòng đặt tại EU, đóng vai trò là đầu mối làm việc với các cơ quan chức năng.
Trước sự phát triển nhanh chóng của hoạt động bán hàng trực tuyến, EU đã sửa đổi quy định chung về an toàn sản phẩm nhằm đảm bảo các điều kiện bình đẳng cho mua sắm trực tuyến và trực tiếp; đồng thời đưa ra các nghĩa vụ mới cho thị trường trực tuyến. Đặc biệt, từ năm 2023, EU đã đưa ra sáng kiến có tên gọi "Cam kết an toàn sản phẩm+" - xác định 20 lĩnh vực hợp tác, trong đó có nhiều cam kết vượt xa so với các yêu hiện hành.
Ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia đã đưa quy định quản lý số với mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước; đồng thời đưa ra phương pháp đánh giá rủi ro nhằm sử dụng thông tin kịp thời và chính xác từ các nguồn đáng tin cậy, cho phép đánh giá rủi ro sớm và thông quan cho các hàng hóa phù hợp.
Indonesia tập trung vào tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, đánh giá sự phù hợp dựa trên rủi ro, hợp tác và chia sẻ thông tin. Người tiêu dùng được trao quyền để chịu trách nhiệm nhiều hơn, thông qua giáo dục về các phương pháp tìm hiểu thông tin cần thiết khi mua hàng trực tuyến.
Những nỗ lực của Việt Nam
Năm 2003, Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp Quốc gia về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Văn phòng TBT Việt Nam) trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (nay là Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ) được thành lập theo Quyết định số 356/QĐ-BKHCN ngày 25/03/2003 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ngày 24/11/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 46/2017/QĐ-TTg ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Mạng lưới các cơ quan thông báo và hỏi đáp và Ban liên ngành về hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Văn phòng TBT Việt Nam là cơ quan duy nhất thực hiện chức năng thông báo cho quốc tế về các biện pháp TBT và các thông báo khác của Việt Nam liên quan đến TBT theo quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đại diện phía Việt Nam phát biểu tại Phiên họp Ủy ban Hàng rào Kỹ thuật trong Thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới tại Geneva, Thụy Sĩ (năm 2024).
Trong thời gian qua, Việt Nam đã tiến hành đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp. Tính đến ngày 30/06/2024, cả nước có 1.974 tổ chức đánh giá sự phù hợp được các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp, trong đó có 1.409 tổ chức thử nghiệm, 239 tổ chức chứng nhận sản phẩm và chứng nhận hệ thống quản lý, 98 tổ chức giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa và 228 tổ chức kiểm định chất lượng sản phẩm, hàng hóa và 03 tổ chức công nhận. Mạng lưới các đơn vị này đóng vai trò quan trọng giúp thuận lợi hoá thủ tục đánh giá sự phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập và phát triển.
Năm 2024 trên cơ sở sáng kiến của Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Bản đồ số hóa hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (iSTAMEQ map) đang được xây dựng và hoàn thiện. iSTAMEQ map kết hợp sử dụng các nền tảng số, dữ liệu số của các tổ chức, đơn vị trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng để giúp người dân, doanh nghiệp truy cập, tra cứu, tìm kiếm thông tin, chỉ dẫn tới các tổ chức thực hiện các dịch vụ về tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Đây là bước đi kịp thời của các cơ quan quản lý trong việc số hóa dữ liệu về đánh giá sự phù hợp, từ đó hỗ trợ cho hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm, hàng hóa trên các nền tảng TMĐT tại Việt Nam.
Nguồn: vietq.vn