Trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp hóa và hội nhập quốc tế, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải bắt kịp dịch chuyển của sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa
Kết quả đạt được trong xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn
Theo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), các tiêu chuẩn, quy chuẩn là công cụ kỹ thuật thiết yếu để quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, đồng thời là phương thức quản lý được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Đây cũng là nền tảng tiên quyết cho hoạt động đánh giá sự phù hợp thông qua các hình thức như thử nghiệm, chứng nhận và giám định.
Trong 9 tháng năm 2024, các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT đã hoàn thành 87/201 nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện tại bao gồm 107 quy chuẩn và 1.409 tiêu chuẩn, được xây dựng theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn đang trong quá trình nghiệm thu và thẩm định để ban hành.
Mặc dù đã có những bước tiến quan trọng, nhưng công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Đáng chú ý, chất lượng xây dựng kế hoạch chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là kế hoạch dài hạn 5 năm chưa được chú trọng đúng mức. Nhiều đề xuất chưa có căn cứ khoa học và thực tiễn đầy đủ, chưa tập trung vào những đối tượng chính cần quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Một số ít tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa cao, áp dụng trong thực tế còn hạn chế và hiệu lực áp dụng ngắn do không đồng bộ với các luật mới, nghị quyết của Chính phủ và các hiệp định quốc tế.
Ngoài ra, việc gia hạn thời gian xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn là hiện tượng phổ biến. Năm 2023, có 57 nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phải gia hạn, cho thấy sự cần thiết trong việc nâng cao chất lượng và tốc độ hoàn thành công việc trong tương lai.
Định hướng hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn
Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường nhấn mạnh rằng các đơn vị cần tập trung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn theo từng nhóm sản phẩm, dịch vụ và quy trình cụ thể, đặc biệt là trong quản lý an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp và kiểm tra chuyên ngành.
Ngoài ra, việc xây dựng tiêu chuẩn cần đồng bộ và hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, nhất là đối với các sản phẩm xuất khẩu và nhóm sản phẩm mới của Việt Nam. Đồng thời, các đơn vị phải tập trung vào các đề án lớn của Bộ, bao gồm tiêu chuẩn trong sản xuất nông nghiệp giảm phát thải, nông nghiệp tuần hoàn, và quản lý sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện nay, tất cả các quy chuẩn và tiêu chuẩn bắt buộc của các nước đều dựa trên nghiên cứu khoa học. Việt Nam cũng đã ban hành thông tư tiếp nhận tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế từ năm 2015. Ông nhấn mạnh rằng, Việt Nam nên xem xét, tiếp nhận các tiêu chuẩn từ quốc tế một cách cụ thể hơn để nhanh chóng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn trong nước. Việc này sẽ rút ngắn quá trình xây dựng tiêu chuẩn, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho quản lý nhà nước.
Chú trọng tính thực tiễn và chiến lược dài hạn
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, tiêu chuẩn và quy chuẩn chỉ là công cụ hỗ trợ, không phải mục tiêu cuối cùng của quản lý. Do đó, khi xây dựng và ban hành, các đơn vị cần xem xét kỹ lưỡng tất cả các khía cạnh, nhất là những tác động khi áp dụng vào thực tế. Ông cũng lưu ý rằng, nền nông nghiệp Việt Nam đang phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, vì vậy, các tiêu chuẩn phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt.
Trong bối cảnh công nghệ và tư duy xã hội thay đổi nhanh chóng, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng các tiêu chuẩn cần linh hoạt và có thể điều chỉnh kịp thời theo tình hình thực tế.
Cùng với xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, Bộ NN&PTNT đã tiến hành hủy bỏ 126 quy chuẩn Việt Nam không còn phù hợp với thực tiễn sản xuất và quy định pháp luật, trong đó có 18 quy chuẩn trong lĩnh vực chăn nuôi, 7 quy chuẩn thủy sản, 2 quy chuẩn thú y, 48 quy chuẩn trồng trọt và 51 quy chuẩn bảo vệ thực vật. Việc này là một phần của phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh theo Quyết định số 933/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, Bộ NN&PTNT cũng tập trung vào nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, với mục tiêu đổi mới sáng tạo. Hiện nay, Bộ đang triển khai 335 nhiệm vụ khoa học công nghệ và môi trường, chủ yếu tập trung vào phát triển giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch và nông nghiệp công nghệ cao.
Việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, đảm bảo tính cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng thay đổi.
Nguồn: vietq.vn