Nền kinh tế toàn cầu có thể được mô tả là “tuyến tính” bắt đầu từ việc khai thác tài nguyên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế, quá trình sản xuất, phân phối, tiêu dùng và cuối cùng là thải loại. Nói một cách ngắn gọn, có thể nói đây chính là quá trình biến tài nguyên thành chất thải. Kinh tế tuyến tính, dựa vào khai thác tài nguyên để tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, là cách thức đã đem đến sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và nâng cao mức sống của con người trong nhiều năm qua.
Mô hình kinh tế tuyến tính.
Tuy nhiên, nền kinh tế tuyến tính này dẫn đến cạn kiệt tài nguyên, mất đa dạng sinh học, lãng phí và ô nhiễm gây suy thoái môi trường ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của con người, các thành tựu phát triển kinh tế vì thế cũng sẽ không còn nhiều giá trị.
Chính bởi nguyên nhân trên mà nhiều quốc gia hiện có xu hướng chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) hơn với cốt lõi là phát triển một cách bền vững, giảm phát thải, phục hồi và tái tạo nguồn nguyên liệu. KTTH hướng tới việc kết nối điểm cuối của quá trình sản phẩm trở lại với điểm đầu quá trình sản phẩm mới từ đó giảm lượng tài nguyên phải khai thác, đồng thời hạn chế chất thải ra môi trường đảm bảo khả năng phục hồi của các hệ sinh thái.
Kinh tế tuần hoàn nhằm khôi phục và tái tạo các vật chất ở cuối mỗi vòng khai thác, sản xuất, phân phối và tiêu dùng, giữ cho vật chất được sử dụng lâu nhất có thể.
Mô hình kinh tế tuần hoàn.
Thuật ngữ "kinh tế tuần hoàn” ở Việt Nam lần đầu được nhắc tới trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sau đó được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, có hiệu lực từ năm 2022. Theo đó “Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế bao gồm các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm nguyên liệu thô, kéo dài tuổi thọ sản phẩm, giảm phát sinh chất thải và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.
Từ đó tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định để định hướng chiến lược và chính sách quốc gia cho các hoạt động của KTTH như: Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” đã đặt ra 3 mục tiêu quan trọng là: giảm phát thải, xanh hóa các ngành kinh tế và xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; Quyết định số 687/QĐ-Ttg ngày 06/07/2022 phê duyệt Đề án phát triển Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với các mục tiêu cụ thể nhằm tăng cường nhận thức, đẩy mạnh ứng dụng và chuyển đổi mô hình KTTH, thúc đẩy xanh hóa các nền kinh tế; Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) nhằm chủ động tham gia xu thế toàn cầu phát triển cacbon thấp, thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 về việc phê duyệt Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đầy KTTH trong nông nghiệp đến năm 2030, trong đó đề rõ mục tiêu: Xây dựng, tiêu chí, tiêu chuẩn gắn kết trong chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến thu hoạch, bảo quản và chế biến tạo nên một vòng tròn khép kín tổng thể.
Những chiến lược và chính sách trên cho thấy cùng với thế giới, Chính phủ Việt Nam đang rất quyết liệt trong việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn và coi việc chuyển dịch này là thiết yếu đối với sự phát triển của đất nước.
Việc thực hiện chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự cải biến trong từng khâu của quá trình sản xuất, bắt đầu từ nghiên cứu, thiết kế và phát triển một sản phẩm, để sản phẩm đó sử dụng nguyên vật liệu tiết kiệm hơn, tiêu tốn ít năng lượng hơn trong quá trình sản xuất và vận hành, độ bền cao hơn, có thể sửa chữa và thay thế các linh kiện, phụ kiện dễ dàng, đồng thời khi kết thúc vòng đời có thể được trở thành nguyên liệu đầu vào cho càng nhiều ngành sản xuất khác càng tốt. Do đó, KTTH tạo ra vòng tròn khép kín trong quy trình sản xuất, tiêu thụ, thu gom và tái sản xuất giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành và giữa các ngành sản xuất.
Để hỗ trợ quá trình chuyển dịch trên, cần thiết phải có hệ thống tiêu chuẩn hướng dẫn thực hiện, chuyển đổi, đo lường và đánh giá mức độ tuần hoàn để doanh nghiệp có thể tham khảo áp dụng. Hiện có tiêu chuẩn UL 3600 "Measuring and reporting circular economy aspects of products, sites and organizations”, tiêu chuẩn hướng dẫn đo lường mức độ tuần hoàn của nguyên liệu trong phạm vi các sản phẩm, phân xưởng và tổ chức sản xuất; Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cũng đã công bố các tiêu chuẩn: ISO 59004:2024 ”Circular economy – Terminology, Principles and Guidance for Implemention”; ISO 59010:2024 “Circular economy - Guidance on the transition of business models and value networks”; ISO 59020:2024 “Circular Economy - Measuring and assessing circularity performance”.
Các tiêu chuẩn này quy định đầy đủ hơn từ nguyên tắc, hướng dẫn thực hiện, hướng dẫn chuyển đổi mô hình kinh doanh, đo lường và đánh giá mức độ tuần hoàn của nguyên liệu, năng lượng, các chất phát thải và nước trong phạm vi rộng hơn từ sản phẩm đến nền kinh tế của quốc gia.
Thực hiện đo lường và đánh giá mức độ tuần hoàn các đối tượng (sản phẩm, phân xưởng, nhà máy...) theo tiêu chuẩn quốc tế với bộ thông số tin cậy sẽ giúp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất sang tuần hoàn nhanh hơn, kinh tế hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể dễ dàng xây dựng nhãn sinh thái cho các sản phẩm của mình để đạt điều kiện xuất khẩu sang các nước phát triển nơi mà đang hướng đến tiêu dùng sản phẩm phải được thiết kế và sản xuất để chúng có thể sử dụng lâu hơn, có thể được sửa chữa và sau đó được tái sử dụng. Nói cách khác, nằm trong một vòng tuần hoàn.
Nguồn: VietQ.vn