Việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành; đo lường đối với trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện đảm bảo phù hợp các dòng xe điện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam là yêu cầu bức thiết.
Hiện nay, giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu, điện khí hóa và giảm phát thải khí nhà kính là những ưu tiên hàng đầu đối với mọi quốc gia trên thế giới vì mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, việc chuyển dịch từ ô tô, xe máy dùng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện đang trở thành xu thế tất yếu.
Tại Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu công cuộc điện khí hóa lĩnh vực ô tô và vấn đề quan tâm hàng đầu là phát triển hệ thống trạm sạc xe điện. Muốn thay đổi thói quen sử dụng của người tiêu dùng hướng tới Net Zero là định hướng của Chính phủ nhưng ở góc độ người tiêu dùng, nếu không có trạm sạc thì các hãng sẽ khó thuyết phục khách hàng mua xe. Tuy nhiên, ở chiều người lại nếu người mua xe điện không nhiều thì việc đầu tư trạm sạc lại là một khoản đầu tư mạo hiểm với doanh nghiệp.
Có thể nói, hệ thống trạm sạc điện là vấn đề “sống còn” cho công cuộc chuyển đổi năng lượng xanh. Việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành; đo lường đối với trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện đảm bảo phù hợp với các dòng xe điện lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam là yêu cầu bức thiết.
Theo đó, thiết bị (Trạm) sạc xe điện (EVSE-Electric Vehicle Supply Equipment) là thiết bị hoặc tổ hợp thiết bị cung cấp các chức năng chuyên dụng để cấp năng lượng điện và xác định chính xác lượng điện năng sạc cho xe điện, lưu trữ kết quả, thông báo kết quả cho khách hàng và có thể truyền thông tin cho một hệ thống thanh toán.
Thiết bị sạc xe điện được phân chia theo loại đối tượng sử dụng và phương pháp sạc: Thứ nhất phân chia theo đối tượng: Hiện có 2 loại một là xe máy, xe đạp điện; hai là ô tô điện; Thứ hai phân chia theo phương pháp sạc: có 2 loại một là sạc bằng điện áp Xoay chiều (AC); hai là sạc bằng điện áp Một chiều (DC).
Chia sẻ về các chính sách quản lý trụ sạc điện hiện nay, ông Trần Qúy Giầu - Trưởng Ban Ban Đo lường - Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho biết, trước tiên, đối với hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hiện hành về xe điện do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, theo văn bản số 5049/BKHCN-TĐC ngày 29/12/2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc báo cáo hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về xe điện trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 58 TCVN liên quan đến xe điện và hệ thống liên quan, bao gồm:
41 TCVN về an toàn, đo vận tốc, tiêu thụ năng lượng, phát thải, hệ thống pin/ắc quy trên xe điện; 04 TCVN về dây cáp sạc xe điện; 08 TCVN về Hệ thống sạc xe điện (quy định yêu cầu chung, tương thích điện từ, truyền thông giữa trạm sạc và xe điện, yêu cầu an toàn đối với hệ thống lắp trạm sạc, cụm đóng cắt và điều khiển hạ áp khu vực sạc xe điện); 05 TCVN về Thiết bị đo điện;
Các tiêu chuẩn này được xây dựng trên cơ sở hoàn toàn tương đương tiêu chuẩn quốc tế của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) và quy định của Ủy ban Châu Âu (EC/ECE/EU).
Tiếp theo, về đo lường, ngày 15/4/2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký ban hành Thông tư số 03/2024/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thông tư số 03/2024/TT-BKHCN đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ký ban hành ngày 15/4/2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2024 với nội dung “Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ".
Cụ thể là bổ sung phương tiện đo mới vào Danh mục phương tiện đo nhóm 2, đó là Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện bao gồm: Thiết bị đo điện năng xoay chiều sạc pin xe đạp điện, xe máy điện; Thiết bị đo điện năng xoay chiều sạc pin xe ô tô điện; Thiết bị đo điện năng một chiều sạc pin xe ô tô điện. Trong đó, bao gồm quy định việc phê duyệt mẫu và chu kỳ kiểm định đối với phương tiện đo này.
Bên cạnh đó, TS. Ngô Thị Ngọc Hà - Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam (Uỷ ban TCĐLCL Quốc gia) cũng thông tin thêm, để đáp ứng về mặt quản lý đo lường (theo Luật Đo lường 2011), Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cũng xây dựng 06 văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam (ĐLVN) liên quan (gồm 03 ĐLVN kiểm định và 03 ĐLVN thử nghiệm) phục vụ phê duyệt mẫu cho các Thiết bị sạc xe điện, bao gồm:
Thứ nhất, thiết bị sạc điện xoay chiều cho xe máy điện, xe đạp điện - Quy trình kiểm định;
Thứ hai, thiết bị sạc điện xoay chiều cho xe máy điện, xe đạp điện - Quy trình thử nghiệm; Phạm vi áp dụng: Thiết bị sạc điện xoay chiều cho xe máy điện, xe đạp điện (hoặc phương tiện thô sơ khác chạy bằng động cơ điện) có phạm vi công suất xoay chiều 1 pha lớn nhất đến 4,4 kW và cấp chính xác đến 0,5.
Thứ ba, thiết bị sạc điện xoay chiều cho xe ô tô điện – Quy trình kiểm định;
Thứ tư, thiết bị sạc điện xoay chiều cho xe ô tô điện – Quy trình thử nghiệm; Phạm vi áp dụng: Thiết bị sạc điện xoay chiều cho ô tô điện có phạm vi công suất xoay chiều 3 pha lớn nhất đến 24 kW và cấp chính xác đến 0,5.
Thứ năm, thiết bị sạc điện một chiều cho xe ô tô điện – Quy trình kiểm định;
Thứ sáu, thiết bị sạc điện một chiều cho xe ô tô điện – Quy trình thử nghiệm; Phạm vi áp dụng: Thiết bị sạc điện một chiều cho ô tô điện có phạm vi công suất một chiều lớn nhất đến 275 kW và cấp chính xác đến 0,5.
“Việc xây dựng hệ thống văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam là một trong những biện pháp nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý của công tác quản lý nhà nước về đo lường cũng như đáp ứng về sự hài hòa với quốc tế về các văn bản kỹ thuật”, bà Hà nhấn mạnh.
Nguồn: vietq.vn