17:30 | 19-10-2024

TCVN 13846:2023 xác định hàm lượng phấn hoa tương đối của mật ong

Phấn hoa ong đã được biết đến và sử dụng từ lâu, không chỉ vì hương vị thơm ngon, hấp dẫn mà còn nhờ vào hàm lượng dinh dưỡng phong phú. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, chất lượng nên xác định hàm lượng phấn hoa theo TCVN 13846:2023.

Nguy hại khi sử dụng mật ong giả mạo nhãn hiệu

Mật ong nguyên chất có chứa phấn ong, được biết là có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng, giúp giảm dị ứng tự nhiên và tăng cường khả năng miễn dịch tổng thể. Khả năng ngăn ngừa dị ứng của mật ong dựa trên một khái niệm gọi là liệu pháp miễn dịch.

Việc sử dụng mật ong nguyên chất sau một thời gian, người bị dị ứng có thể trở nên ít nhạy cảm hơn với các loại phấn hoa đã từng gây dị ứng và ít gặp phải triệu chứng dị ứng theo mùa hơn. Uống mật ong hàng ngày thực sự có thể hoạt động giống như một liều thuốc chữa dị ứng. Tuy nhiên, đó phải là mật ong nguyên chất mới có tác dụng này.

Phấn hoa ong là hỗn hợp hạt phấn hoa và mật hoa mà ong mật thu thập được, kết hợp với nước bọt của ong thợ để tạo nên các viên phấn nhỏ. Phấn ong có chứa axit amin, vitamin, lipid và hơn 250 hoạt chất khác nhau. Trong các y văn cổ, phấn hoa ong được coi là “mỏ vàng” về dinh dưỡng do các thành phần hoạt chất có đặc tính chữa bệnh và nâng cao sức khỏe đáng kể. 

Các chất chuyển hóa tìm thấy trong phấn hoa ong bao gồm: protein, axit amin, enzyme, co-enzyme, carbohydrate, lipid, axit béo, hợp chất phenolic, nguyên tố sinh học và vitamin. Phấn hoa ong thường được dùng như thực phẩm bổ sung nhằm tăng thể lực và thêm dẻo dai. Nó cũng được sử dụng để làm giảm các triệu chứng dị ứng và tăng sự thèm ăn, giúp tăng cường miễn dịch và chống mệt mỏi, trầm cảm. Ngoài ra nó còn được sử dụng để dưỡng da và chữa rối loạn về da như bệnh chàm và chứng hăm tã. Các công dụng khác bao gồm chữa hội chứng tiền kinh nguyệt và lão hóa sớm.

Hiện nhu cầu sử dụng mật ong chữa bệnh, làm đẹp và chế biến món ăn là rất lớn. Và mật ong giả, chất lượng kém cũng rất nhiều. Nguyên liệu để sản xuất loại mật ong này không phải từ phấn hoa mà rất dễ mua, gồm hàn the, mật nha, phèn chua, đường mía, mật ong thật và một số loại hóa chất. Mỗi loại nguyên liệu đều có tác dụng riêng, thí dụ phèn chua có tác dụng chống vón đường, mật nha tạo hương thơm,…

Khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu thì trộn vào nhau rồi đổ nước nấu lên. Tiền nguyên liệu chỉ mất vài chục nghìn đồng nhưng được tới 5-7 lít mật ong thơm ngon như thật. Nếu bán trót lọt thì thu được từ 1 đến 2 triệu đồng. Mật ong hoa rừng, hoa nhãn, thậm chí hoa thuốc phiện đều có thể sản xuất được. Sau đó, các loại mật ong "công nghệ" này được vận chuyển lên các tỉnh miền núi, khu du lịch,… để bán lại cho du khách. Ðể người mua tin tưởng khi đóng chai, người sản xuất cho thêm sáp ong, con ong chết và đổ một ít mật ong thật lên trên đồng thời "thổi" giá như mật ong rừng xịn…

Tiến sĩ, bác sĩ Ðinh Thị Lam, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Ðống Ða (Hà Nội) cho biết, mật ong là vị thuốc quý trong y học cổ truyền, được sử dụng để chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe và chế biến một số món ăn cao cấp...Tuy nhiên, nếu thường xuyên dùng mật ong giả, kém chất lượng và chứa chất như phèn chua, hàn the hoặc chất phụ gia bị cấm dùng trong thực phẩm thì người sử dụng sẽ bị suy nhược cơ thể, tăng cân, béo phì do không hấp thụ được dinh dưỡng từ đường tiêu hóa như bình thường.

Nguy hiểm hơn, loại mật ong pha chế "công nghệ" này có thể gây ra các bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường; gây ợ chua, ợ nóng, đắng miệng, viêm dạ dày, trào ngược dạ dày; ảnh hưởng đến não bộ, hệ thần kinh, gây mất ngủ… Do đó, người tiêu dùng chỉ nên mua và sử dụng các loại mật ong của cơ sở có uy tín, có thương hiệu; tuyệt đối không sử dụng các loại mật ong không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. 

Phấn hoa tương đối của mật ong là sản phẩm rất tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13846:2023 Mật ong - Xác định hàm lượng phấn hoa tương đối 

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13846:2023 Mật ong - Xác định hàm lượng phấn hoa tương đối do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đưa ra các phương pháp xác định hàm lượng phấn hoa tương đối của mật ong.

Hàm lượng phấn hoa tương đối của mật ong là hàm lượng của các loài phấn hoa riêng rẽ tính theo phần trăm của tổng số hạt phấn hoa. Về nguyên tắc cần chuẩn bị mẫu thử để kiểm tra các hạt phấn hoa lơ lửng trong mẫu bằng kính hiển vi. Xác định số hạt phấn hoa nhất định và tính tỷ lệ các loài phấn hoa riêng rẽ theo phần trăm của tổng số hạt phấn hoa.

Yêu cầu chung về thuốc thử, do phương pháp được mô tả trong tiêu chuẩn này không phải là phép phân tích mà là đếm số lượng tế bào thực vật cụ thể (các hạt phấn hoa), nên không có các yêu cầu về độ tinh khiết cụ thể được quy định đối với thuốc thử được sử dụng, trừ nước phải là nước cất. 

Để thử nghiệm nên sử dụng các thiết bị, dụng cụ thông thường của phòng thử nghiệm và cụ thể như rây bằng thép không gỉ cỡ lỗ 0,50 mm; Máy ly tâm, có thể ly tâm ở gia tốc 1000 g. Ống ly tâm hình côn, dung tích danh nghĩa nhỏ nhất là 40 ml; Máy lắc ống nghiệm; Kính hiển vi, có độ phóng đại từ 320 lần đến 1 000 lần; Lam kính, kích thước 76 mm x 26 mm; Phiến kính, kích thước 22 mm x 22 mm; Bếp điện; Pipet Pasteur, bằng nhựa dùng một lần, dung tích danh nghĩa 1 ml; Thìa dàn mẫu; Buồng đếm phấn hoa; Nồi cách thủy, có thể duy trì được nhiệt độ không quá 40 °Cl; Giấy thấm.

Việc lấy mẫu không quy định trong tiêu chuẩn này. Nên lấy mẫu theo TCVN 5261. Mẫu gửi đến phòng thử nghiệm phải đúng là mẫu đại diện và không bị hư hỏng hoặc thay đổi trong quá trình vận chuyển hoặc bảo quản. Cần lấy mẫu phòng thử nghiệm đại diện có khối lượng ít nhất 200 g.

Cách tiến hành, đối với mật ong dạng lỏng hoặc mật ong bị kết tinh không có tạp chất nên đồng hóa mẫu phòng thử nghiệm bằng cách khuấy mạnh (ít nhất 3 min). Cần đảm bảo mẫu càng lẫn ít không khí càng tốt, đặc biệt nếu mẫu được dùng tiếp để xác định hydroxymetylfurfural (HMF). Mật ong dạng lỏng hoặc mật ong bị kết tinh có tạp chất sau khi loại bỏ các tạp chất thô, khuấy mẫu phòng thử nghiệm ở nhiệt độ phòng cho đến khi đồng nhất rồi lọc qua rây. Dùng thìa trong trường hợp mẫu bị kết tinh. Mật ong bánh tổ cần mở nắp vít nếu các lỗ trên bánh tổ vẫn đóng. Dùng rây tách toàn bộ mật ong ra khỏi bánh tổ mà không cần làm nóng.

Sau đó cân 10 g mẫu thử đã chuẩn bị cho vào ống ly tâm. Thêm 20 ml nước cất lạnh hoặc nước cất ở nhiệt độ không quá 40 °C vào ống để hòa tan mẫu. Dùng máy ly tâm dung dịch ở gia tốc 1 000 g trong 10 min, sau đó rót bỏ lớp nổi phía trên và thêm 20 ml nước cất để hòa tan hết các tinh thể đường trong mẫu. Dùng thìa hoặc pipet Pasteur để khuấy hỗn hợp, khi thực hiện thao tác này để đầu thìa chạm vào đáy ống ly tâm. Sau đó ly tâm ở gia tốc 1 000 g trong 5 min. Gạn lớp nổi phía trên, giữ ống ly tâm nghiêng xuống để chất lỏng còn lại chảy ra giấy thấm càng nhiều càng tốt.

Bật nóng bếp điện đến 40 °C và hóa lỏng glycerol gelatin làm môi trường nhúng bằng cách làm nóng trong nồi cách thủy ờ nhiệt độ không quá 40 °C hoặc trên bếp điện. Làm nóng trước các lam kính trên bếp điện.

Chọn độ phóng đại để đếm số hạt phấn hoa có thể nhìn thấy trong từng trường quan sát. Kiểm tra sơ bộ để xác định các loài phấn hoa có mặt trong mẫu dựa vào kích thước, hình dạng và màu sắc của hạt phấn. Sau đó, xác định số hạt phấn hoa của các loài thực vật đích bằng cách đếm ít nhất 500 hạt phấn hoa theo từng lượng 100 hạt. Nếu kết quả dao động thì tăng số hạt được đếm. Phân bố các trường quan sát và thống nhất các hướng đếm trên toàn bộ mẫu.

Phân bố các điểm dừng đếm càng đồng đều càng tốt trên toàn bộ chiều rộng, ở đây là trên một hàng cặn. Sử dụng buồng đếm 100 hạt phấn hoa trong mỗi hàng của năm hàng được phân bố đều trên lớp cặn để có tổng số đếm là 500. Để có được tổng số đếm là 1 000, cần chèn thêm năm hàng giữa năm hàng đầu tiên. Không đếm hạt phấn ong. Khoảng thời gian số lần dừng đếm được thiết lập phụ thuộc vào hàm lượng phấn hoa của mật ong, ở đây là mật độ của phấn hoa trong mẫu và kích thước trường quan sát của kính hiển vi. Trong trường hợp mật ong rất ít phấn hoa, có thể cần đếm liên tục không dừng. Với điều kiện số lượng ổn định, chỉ cần đếm 500 hạt phấn hoa.

Báo cáo kết quả theo phần trăm về độ chụm chi tiết của phép thử liên phòng thử nghiệm về độ chụm của phương pháp được nêu trong tiêu chuẩn này. Giới hạn lặp lại là chênh lệch tuyệt đối giữa hai kết quả thử nghiệm độc lập, đơn lẻ, thu được khi sử dụng cùng một phương pháp, trên vật liệu thử giống hệt nhau, trong cùng một phòng thử nghiệm, do cùng một người thực hiện, sử dụng cùng thiết bị, trong cùng một khoảng thời gian ngắn, không quá 5 % các trường hợp lớn hơn giới hạn lặp lại.

Yêu cầu trong quá trình báo cáo thử nghiệm phải ít nhất bao gồm các thông tin: Mọi thông tin cần thiết để nhận biết đầy đủ về mẫu thử; phương pháp lấy mẫu và ngày lấy mẫu; ngày nhận và thử nghiệm mẫu; phương pháp thử, viện dẫn tiêu chuẩn này; hàm lượng phấn hoa tương đối của các loài cây cụ thể, Xp, tính bằng phần trăm; mọi điều kiện thao tác không quy định trong tiêu chuẩn này hoặc được xem là tùy chọn, cùng với mọi tình huống bất thường có thể ảnh hưởng đến kết quả; kết quả thử nghiệm thu được hoặc nếu kiểm tra độ lặp lại, thì nêu kết quả cuối cùng thu được.

Nguồn: vietq.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận