Thực phẩm bẩn, hàng hóa kém chất lượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, các tiêu chuẩn như ISO, HACCP, VietGAP chính là "lá chắn" giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nguy cơ hàng giả vẫn hiện hữu
Trước và sau Tết, nhu cầu tiêu dùng tăng cao kéo theo nguy cơ hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện. Nhiều người tiêu dùng đã trở thành nạn nhân khi mua phải sản phẩm không rõ nguồn gốc, thiếu tem chứng nhận chất lượng, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.
Anh Minh (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) kể lại một trải nghiệm không mấy vui vẻ trong dịp Tết: “Trước Tết, tôi có mua vài hộp bánh mứt tại một sạp hàng lề đường, người bán khẳng định là hàng nhà làm, nhìn rất bắt mắt với nhiều màu sắc. Nhưng ngay hôm sau, cả nhà tôi bị đau bụng, tiêu chảy và buồn nôn sau khi ăn loại mứt này". Sau khi kiểm tra, anh phát hiện hộp mứt không hề có nhãn mác, không ghi rõ xuất xứ, ngày sản xuất và hướng dẫn sử dụng trên bao bì. Đây là bài học đắt giá để anh cẩn trọng hơn khi mua thực phẩm.
Tương tự, chị Hoài (quận Tân Phú) cũng gặp phải tình huống khó chịu khi mua một giỏ quà Tết. “Nhìn bên ngoài, giỏ quà trông rất sang trọng, giá khoảng 1 triệu đồng. Nhưng khi mở ra, tôi phát hiện sản phẩm bên trong toàn là hàng nhái, hàng kém chất lượng” – chị Hoài kể lại.
Dù không trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng chị Hoài vẫn không khỏi thất vọng khi thấy nhiều cửa hàng coi nhẹ uy tín cũng như sức khoẻ khách hàng chỉ vì lợi nhuận. Từ trường hợp này, chị Hoài đã rút ra kinh nghiệm xương máu, thận trọng hơn trong chọn lựa sản phẩm.
Điều đáng nói, những trường hợp như của anh Minh, chị Hoài diễn ra khá phổ biến, khi mà nhiều người tiêu dùng vẫn đặt nặng giá cả mà bỏ qua các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Chính điều này khiến thị trường trở thành "ma trận" với những sản phẩm không đảm bảo an toàn.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hoá phục vụ cho dịp Tết.
Theo Bộ Y tế, năm 2024, số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước gia tăng. Cụ thể, 11 tháng đầu 2024, cả nước ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 4.796 người mắc và 21 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tăng 7, số mắc tăng 2.677 người, số tử vong giảm 7 người.
Tính đến ngày 30/11/2024, toàn ngành y tế đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 6,22% so với số cơ sở được kiểm tra; đã xử lý 9.043 cơ sở (chiếm 41% số cơ sở vi phạm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023), trong đó phạt tiền 6.658 cơ sở với số tiền phạt: 33.534.861.080 đồng. Số cơ sở phạt tiền tăng 2,9 lần so với năm 2023, số tiền phạt tăng 1,69 lần số tiền phạt năm 2023.
Nhằm siết chặt quản lý, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều đợt thanh, kiểm tra và xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá: "Năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường đã tăng cường thanh tra, kiểm soát, đặc biệt trong lĩnh vực hàng tiêu dùng dịp Tết. Nhiều vụ vi phạm lớn đã bị phát hiện, số vụ thanh kiểm tra và xử lý đều tăng mạnh so với năm trước".
Tiêu chuẩn chất lượng – “lá chắn” bảo vệ sức khoẻ
Trong bối cảnh thị trường ngày càng phức tạp, các chứng nhận chất lượng như ISO, HACCP, VietGAP trở thành công cụ quan trọng giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm đáng tin cậy. Anh Cường – Giám đốc một công ty chuyên sản xuất các loại đồ chơi trẻ em cho biết, từ khi các sản phẩm của công ty được chứng nhận chất lượng, doanh số bán hàng tăng gần gấp đôi so với năm trước. Điều này chứng minh rằng việc tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng không chỉ đảm bảo an toàn cho sản phẩm mà còn giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Tương tự, chủ một công ty thực phẩm tại TP.HCM chia sẻ, việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 đã tạo ra những thay đổi tích cực. Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm với 7 nguyên tắc và 12 bước kiểm soát không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Nhờ đó, công ty không chỉ cải thiện hiệu suất mà còn củng cố lòng tin của khách hàng, nâng cao hình ảnh thương hiệu trên thị trường.
Các tiêu chuẩn như ISO, HACCP, VietGAP chính là "lá chắn" giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chị Hương, chủ một cửa hàng chuyên bán thực phẩm khô đóng gói và rau củ quả sạch cũng nhận thấy thay đổi rõ rệt trong hành vi mua sắm của khách hàng. Các sản phẩm có chứng nhận ISO, VietGAP hay HACCP luôn được ưa chuộng hơn hẳn so với mặt hàng chưa được kiểm định. Ngay cả những loại rau củ quả đã qua kiểm định nhưng không bắt mắt bằng rau thông thường vẫn được tiêu thụ nhiều hơn.
“Khách hàng sẵn sàng chọn mua rau muống đã hơi héo nhưng có chứng nhận VietGAP thay vì rau muống xanh tươi nhưng không rõ nguồn gốc", chị Hương chia sẻ. Điều này chứng tỏ người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng và nguồn gốc sản phẩm hơn là chỉ dựa vào hình thức bên ngoài.
Cục Quản lý Thị trường TP.HCM cũng khuyến cáo, người tiêu dùng nên ưu tiên sản phẩm có chứng nhận rõ ràng, tem nhãn đầy đủ và nguồn gốc minh bạch để tránh mua phải hàng kém chất lượng. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức về các tiêu chuẩn chất lượng, không chỉ dựa vào giá cả hay bao bì bắt mắt mà bỏ qua yếu tố an toàn thực phẩm.
Các chuyên gia khuyến nghị người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ nhãn mác, nguồn gốc sản phẩm. Cần lựa chọn mua sắm tại cửa hàng uy tín, tránh mua hàng không rõ nguồn gốc; khi phát hiện hàng giả, hàng nhái cần báo ngay cho cơ quan chức năng. Việc nâng cao ý thức tiêu dùng không chỉ giúp bảo vệ chính mình mà còn góp phần xây dựng thị trường lành mạnh, nơi mà chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu.
Nguồn: vietq.vn