09:13 | 29-05-2023

Đề xuất sửa quy định quản lý sản phẩm hàng hoá bằng mã số, mã vạch

Xác định vấn đề bất cập

Quản lý nhà nước về mã số, mã vạch đã được quy định từ gần 20 năm trước theo Quyết định số 45/2002/QĐ-TTg ngày 27/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ quy định nội dung quản lý nhà nước về mã số mã vạch và cơ quan quản lý nhà nước về mã số, mã vạch. Để triển khai thực hiện, Bộ KH&CN đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn (Quyết định số 15/2006/QĐ-BKHCN ngày 23/8/2006 và Thông tư số 16/2011/TT-BKHCN ngày 30/6/2011 của Bộ KH&CN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 15/2006/QĐ-BKHCN).

GS1 là tổ chức mã số, mã vạch quốc tế với 115 quốc gia thành viên. Theo thống kê, mã vạch GS1 được sử dụng bởi hơn 2 triệu doanh nghiệp, hơn 100 triệu sản phẩm có gán mã GS1 và hơn 6 tỷ lượt quét mã vạch GS1 hằng ngày trên toàn thế giới. GS1 cũng là một tổ chức tiêu chuẩn hóa.

Từ năm 1989, GS1 đã ban hành tiêu chuẩn quốc tế về trao đổi dữ liệu điện tử EDI. Ngoài ra, GS1 cũng xây dựng các tiêu chuẩn về chip RFID, tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn về định danh trang thiết bị y tế theo quy định của U.S FDA của Mỹ và MDR của Châu Âu. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn của GS1 đã hài hòa, được công nhận bởi Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) và được sử dụng viện dẫn trong các tiêu chuẩn ISO.

Mã số, mã vạch là công cụ hữu hiệu được ứng dụng phổ biến trong quản lý và được sử dụng bởi tất cả các bên trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, bán lẻ, dịch vụ vận chuyển, cơ quan quản lý, người tiêu dùng… Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mã số, mã vạch là tiện ích đóng vai trò to lớn trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giúp cho việc kết nối, thu thập, chia sẻ thông tin về sản phẩm, từ đó các bên tham gia trong chuỗi cung ứng có thể ứng dụng để truy xuất nguồn gốc, triệu hồi sản phẩm, quản lý sản xuất, bán hàng, kho bãi, giao nhận vận chuyển.

Trong quản lý chất lượng sản phẩm, mã số, mã vạch là yếu tố cơ bản liên kết thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm (công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy của sản phẩm, hàng hóa); là công cụ phục vụ nhà sản xuất giám sát chất lượng sản phẩm, truy tìm, xác định nguồn gốc, nguyên nhân sự cố liên quan đến sản phẩm; người tiêu dùng tra cứu, tìm kiếm thông tin về chất lượng sản phẩm; tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý quá trình sản xuất và lưu thông sản phẩm.

Mã số, mã vạch giúp thúc đẩy thương mại và hội nhập quốc tế thông qua việc: tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử toàn cầu; giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuận lợi, cung cấp dữ liệu sản phẩm cho đối tác thương mại; tích hợp với dữ liệu hải quan và cơ quan thuế nhằm tạo thuận lợi cho khai báo, thông quan, tính thuế; hỗ trợ kiểm soát luồng hàng xuất nhập khẩu.

Hiện nay, các nước đang tăng cường kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thông qua việc ứng dụng mã số, mã vạch. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa các quốc gia, gian lận xuất xứ đã ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của doanh nghiệp chân chính, uy tín của các sản phẩm và môi trường kinh doanh từng quốc gia. Để ngăn chặn gian lận xuất xứ từ việc biến một nước nào đó thành điểm trung chuyển hàng xuất khẩu giả sang nước thứ ba, một số nước đã áp dụng các biện pháp trấn áp hàng giả và gian lận xuất xứ để đảm bảo uy tín của sản phẩm, hàng hóa của quốc gia mình.

Cũng như nhiều quốc gia, ở Việt Nam, cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý có thẩm quyền chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận, làm giả xuất xứ, dán nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trung chuyển hàng hóa trái phép.

Việc xác minh sử dụng mã nước ngoài, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc ghi nhãn hàng hóa lưu thông để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm tại Việt Nam sẽ giúp cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế, đồng thời minh bạch hóa nguồn gốc các sản phẩm trên thị trường, tăng uy tín đối với khách hàng.

Từ những lý do trên, ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó đã bổ sung quy định về quản lý mã số, mã vạch; ngày 21/01/2022, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/ 2008, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đo lường, trong đó đã bổ sung quy định quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vấn đề chuyển đổi số sẽ giúp mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị mới nhờ việc cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mới; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa, nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Việc định danh, mã hóa và thu thập thông tin dạng máy đọc là tiền đề để có thể số hóa, trao đổi dữ liệu điện tử giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng và là nền tảng cho giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử.

Do đó, để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ứng dụng mã số mã vạch trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần xem xét, bổ sung vào trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là rất cần thiết.

Mục tiêu giải quyết vấn đề

Bổ sung các quy định về ứng dụng mã số, mã vạch trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa giúp cho việc kết nối, thu thập, chia sẻ thông tin về sản phẩm, dịch vụ; từ đó các bên tham gia trong chuỗi cung ứng (nhà sản xuất, bán lẻ, dịch vụ vận chuyển, cơ quan quản lý, người tiêu dùng…) có thể ứng dụng để truy xuất nguồn gốc, truy tìm, xác định nguồn gốc, nguyên nhân sự cố liên quan đến sản phẩm, triệu hồi sản phẩm, quản lý sản xuất, bán hàng, kho bãi, giao nhận vận chuyển.

Giải pháp giải quyết vấn đề

Có hai phương án giải quyết các bất cập nêu trên. Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên quy định như hiện nay. Phương án 2 là chỉnh sửa, bổ sung quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Bộ KH&CN cho biết, nếu triển khai theo phương án 1, về mặt tích cực, đối với Nhà nước sẽ không tốn kém thời gian, chi phí sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật và nguồn lực để thống nhất việc triển khai ứng dụng mã số, mã vạch trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giúp cho việc kết nối, thu thập, chia sẻ thông tin về sản phẩm, dịch vụ.

Đối với tổ chức, cá nhân sẽ không phải mất thời gian nghiên cứu các quy định mới để thực hiện; không phải đầu tư nguồn lực để ứng dụng mã số, mã vạch trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giúp cho việc kết nối, thu thập, chia sẻ thông tin về sản phẩm, dịch vụ. Chính sách không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách được áp dụng chung, không mang tính phân biệt, không làm phát sinh thủ tục hành chính mới do vẫn giữ các quy định hiện hành.

Về tác động tiêu cực, đối với Nhà nước sẽ không thống nhất, chồng chéo về nội dung ứng dụng mã số, mã vạch trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; không giải quyết được những khó khăn, bất cập trong thời gian vừa qua và tụt hậu với xu hướng phát triển, triển khai ứng dụng mã số, mã vạch trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đối với tổ chức, cá nhân: thiếu căn cứ để triển khai thống nhất hoạt động ứng dụng mã số, mã vạch trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giúp cho việc kết nối, thu thập, chia sẻ thông tin về sản phẩm, dịch vụ; từ đó các bên tham gia trong chuỗi cung ứng (nhà sản xuất, bán lẻ, dịch vụ vận chuyển, cơ quan quản lý, người tiêu dùng…) có thể ứng dụng để truy xuất nguồn gốc, truy tìm, xác định nguồn gốc, nguyên nhân sự cố liên quan đến sản phẩm, triệu hồi sản phẩm, quản lý sản xuất, bán hàng, kho bãi, giao nhận vận chuyển, dẫn đến có thể bị ảnh hưởng về uy tín, tốn kém về thời gian, kinh phí nếu thực hiện việc ứng dụng mã số, mã vạch trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chính sách mới đề xuất mặc dù không có tác động đối với hệ thống pháp luật do quy định không thay đổi nhưng giải pháp này chưa phù hợp hoàn toàn với thông lệ quốc tế, nghĩa vụ của các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.

Nếu triển khai theo phương án 2, về mặt tích cực, đối với Nhà nước sẽ có căn cứ để thống nhất, tránh chồng chéo về nội dung ứng dụng mã số, mã vạch trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; giải quyết được những khó khăn, bất cập trong thời gian vừa qua và theo kịp với xu hướng phát triển, triển khai ứng dụng mã số, mã vạch trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên thế giới.

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vấn đề chuyển đổi số sẽ giúp mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị mới nhờ việc cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mới; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa, nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Việc định danh, mã hóa và thu thập thông tin dạng máy đọc là tiền đề để có thể số hóa, trao đổi dữ liệu điện tử giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng và là nền tảng cho giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử.

Đối với tổ chức, cá nhân sẽ có căn cứ để triển khai thống nhất hoạt động ứng dụng mã số, mã vạch trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giúp cho việc kết nối, thu thập, chia sẻ thông tin về sản phẩm, dịch vụ; từ đó các bên tham gia trong chuỗi cung ứng (nhà sản xuất, bán lẻ, dịch vụ vận chuyển, cơ quan quản lý, người tiêu dùng…) có thể ứng dụng để truy xuất nguồn gốc, truy tìm, xác định nguồn gốc, nguyên nhân sự cố liên quan đến sản phẩm, triệu hồi sản phẩm, quản lý sản xuất, bán hàng, kho bãi, giao nhận vận chuyển, giúp nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước; tránh trường hợp ứng dụng mã số, mã vạch trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với thông lệ quốc tế làm ảnh hưởng về uy tín, tốn kém về thời gian, kinh phí.

Cũng theo Bộ KH&CN, chính sách không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách được áp dụng chung, không mang tính phân biệt. Việc áp dụng các quy định không làm phát sinh thủ tục hành chính mới. Giải pháp này không có tác động tới bộ máy nhà nước, không cần bổ sung điều kiện thi hành, không tác động tới các quyền cơ bản của công dân, phù hợp hệ thống pháp luật: giải pháp này phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay, tương thích với các điều ước quốc tế.

Về tác động tiêu cực, đối với Nhà nước, sẽ tốn kém thời gian, chi phí sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật và nguồn lực để thống nhất việc triển khai ứng dụng mã số, mã vạch trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giúp cho việc kết nối, thu thập, chia sẻ thông tin về sản phẩm, dịch vụ.

Đối với tổ chức, cá nhân sẽ mất thời gian nghiên cứu các quy định mới để thực hiện; đầu tư nguồn lực để ứng dụng mã số, mã vạch trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giúp cho việc kết nối, thu thập, chia sẻ thông tin về sản phẩm, dịch vụ.

Từ những phân tích nêu trên, Bộ KH&CN kiến nghị lựa chọn phương án 2 là phương án đem lại nhiều tác động tích cực, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn quản lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vấn đề chuyển đổi số sẽ giúp mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị mới nhờ việc cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mới; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa, nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước; việc định danh, mã hóa và thu thập thông tin dạng máy đọc là tiền đề để có thể số hóa, trao đổi dữ liệu điện tử giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng và là nền tảng cho giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử.

Nguồn: vietq.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận