09:33 | 29-04-2021

Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia - Công cụ quan trọng kiểm soát ô nhiễm

Ô nhiễm từ các phương tiện giao thông gây ra ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân. Ảnh ST

Trả lời báo chí về giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do khí thải xe máy gây ra tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ TN&MT tổ chức, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) khẳng định hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường sẽ là công cụ hết sức quan trọng.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, bên cạnh việc thực hiện các lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô, xe máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới đã được ban hành, trong quý II/2021, Tổng cục sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, khảo sát và làm việc với các bộ ngành, địa phương để thu thập, tổng hợp thông tin đánh giá việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam.

Trong quý III/2021 sẽ nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới lộ trình. Dự kiến trong quý IV/2021 sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về dự thảo lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là cơ sở để các tổ chức, cá nhân có liên quan điều chỉnh, giám sát, vận hành theo các yêu cầu kỹ thuật đã đưa ra. Đồng thời căn cứ vào các nghiên cứu, cơ sở khoa học quốc tế để đưa ra được các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chính xác để bảo vệ môi trường.

Các phương tiện cũ nát cần được loại bỏ. Ảnh minh họa

Để xử lý, giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường do khí thải xe máy gây ra, ông Thịnh cho biết, cần nghiên cứu, đánh giá, quan trắc từng nguồn thải cụ thể, phải tiến hành căn cơ, bài bản để đưa ra các giải pháp chính xác. Bên cạnh việc thực hiện tốt các quy chuẩn, tiêu chuẩn, lộ trình, cần thực hiện nghiêm túc công việc rà soát và loại bỏ toàn bộ các phương tiện cũ không đáp ứng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được ban hành.

Trước đó, theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT), tại Việt Nam, tiêu chuẩn khí thải mức 4 tương ứng với tiêu chuẩn khí thải Euro 4 chính thức được áp dụng từ ngày 1/1/2018 theo Quyết định 49/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải với ôtô, xe mô tô hai bánh có lắp động cơ nhiệt sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.

Điểm đáng chú ý là trong Quyết định 49/2011, nhằm hạn chế phát thải các khí độc hại gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn để góp phần bảo vệ môi trường, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới được quy định rất rõ. Đây sẽ là cơ sở để Bộ GTVT xây dựng trình tự và các quy định chi tiết về kiểm tra định kỳ về khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Với lộ trình được quy định rõ trong Quyết định 49/2011 của Thủ tưởng Chính phủ, các loại xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 3 (tương ứng Euro 3) từ ngày 1/1/2017. Cụ thể ngay từ đầu năm 2017, tiêu chuẩn mức khí thải cho các loại xe ôtô, xe mô tô hai bánh có lắp động cơ nhiệt sẽ bao gồm: Mức tương ứng Euro 2 đối với ôtô, xe máy được đưa vào sử dụng trước ngày 1/1/2017 và mức tương ứng Euro 3 áp dụng cho xe máy đưa vào sử dụng sau ngày 1/1/2017.

Từ ngày 1/1/2022, Việt Nam sẽ áp dụng tiêu chuẩn mức khí thải cao nhất tương ứng Euro 5, tuy nhiên lộ trình này chỉ áp dụng với ôtô, trong khi các loại xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới vẫn áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức tương ứng Euro 3 từ ngày 1/1/2017.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, toàn quốc hiện có hơn 50 triệu xe máy đang lưu hành (Hà Nội 5,7 triệu xe, TP.HCM 8,3 triệu xe), chiếm 95% số lượng xe cơ giới và thải ra 80-90% khí CO, 50% lượng NOx trong tổng lượng phát thải xe cơ giới.

Riêng tại TP.HCM, theo một số tài liệu nghiên cứu đánh giá, tính toán thì môtô, xe máy chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng (không tính dầu diesel), nhưng lại thải ra không khí khoảng 94% HC, 87% CO, 57% NOx và 33% bụi PM10 trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới (chạy bằng xăng hoặc dầu).

Chỉ số chất lượng không khí AQ1 của TP.HCM năm 2017 là 86, thuộc nhóm chất lượng thấp, ảnh hưởng tới sức khỏe đối với những người nhạy cảm và chỉ số PM2.5 là 28,3 mg/m3 vượt quá quy chuẩn 25 mg/m3.

Theo nhận định của Sở GTVT TP.HCM, với số lượng xe cộ lớn, tốc độ tăng trưởng cao, qua nhiều năm sử dụng phát sinh chất lượng khí thải kém đang lưu hành đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. Ngoài ra, phương tiện giao thông cũ nát, kém chất lượng cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất an toàn giao thông, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

Theo vietq.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận