07:44 | 21-03-2022

Năng suất trong lĩnh vực công tạo nền tảng thúc đẩy năng suất quốc gia

Năng suất được giới thiệu ở Việt Nam vào cuối những năm 1990, tuy nhiên chủ yếu tập trung trong khu vực tư nhân. Trong suốt giai đoạn đó, năng suất vẫn chưa được coi là thước đo chính để đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thay vào đó, doanh nghiệp có xu hướng sử dụng các chỉ tiêu khác được như là lợi nhuận, doanh thu,...

Chỉ đến năm 2010, Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa. Theo đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và lan tỏa khái niệm “năng suất” ở cấp quốc gia. Tuy nhiên, chương trình vẫn chưa nhấn mạnh vai trò của năng suất trong lĩnh vực công.

Để thúc đẩy năng suất quốc gia, lĩnh vực dịch vụ công đóng vai trò quan trọng tạo ra nền tảng phát triển. Lĩnh vực dịch vụ công cũng giống như các lĩnh vực khác của nền kinh tế cung cấp sản phẩm và dịch vụ, cũng cần sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào (lao động, vốn, đầu vào trung gian) để tạo ra “đầu ra” có chất lượng nhằm nâng cao mức sống của người dân. Các lĩnh vực dịch vụ công bao gồm: Giáo dục, An ninh quốc phòng, Hành chính công, Y tế và các dịch vụ cộng đồng và xã hội khác.

Cải thiện năng suất trong lĩnh vực dịch vụ công có nghĩa là đạt được hiệu suất và hiệu quả từ việc sử dụng nguồn lực của Chính phủ. Những cải thiện về hiệu suất và hiệu quả trong lĩnh vực công được hiện thực hóa thông qua các hoạt động như tăng cường tạo động lực và kỹ năng cho người lao động, cải thiện hệ thống quản lý và đo lường hiệu suất.

Bên cạnh đó, các hoạt động khác như là hệ thống hóa quy trình làm việc cải cách ngân sách, cải thiện chất lượng dịch vụ công và áp dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng được thực hiện.

Để đạt được mục tiêu năng suất đặt ra trong lĩnh vực dịch vụ công, cải thiện hiệu quả và chất lượng dịch vụ công, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) đã xây dựng và phát triển mô hình năng suất trong lĩnh vực công và đã được nhiều quốc gia thành viên nghiên cứu và áp dụng.

Theo đó, mô hình đã chỉ ra những yếu tố quan trọng và then chốt để cải thiện năng suất trong lĩnh vực dịch vụ công, cũng như đạt được những mục tiêu năng suất đặt ra. Năm yếu tố then chốt được xác định là những trụ cột ưu tiên trong mô hình này, đó là, Lãnh đạo đổi mới sáng tạo (Innovation leadership), 2 Chất lượng dịch vụ (Service quality), Chính phủ điện tử (e-Government), Cải cách hành chính (Regulatory reform), Dịch vụ trọng tâm vào người dân (Citizen centred services).

Trụ cột 1: Lãnh đạo đổi mới sáng tạo

Lãnh đạo - người đứng đầu của một tổ chức phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo thì mới tạo ra những sản phẩm và dịch vụ hiệu quả và hiệu suất cao, điều này sẽ hỗ trợ Chính phủ tác động đến nhiều chủ thể khác để hoàn thành nhiệm vụ công. Một nhà lãnh đạo đổi mới sáng tạo không cần phải là người tạo ra ý tưởng sáng tạo, mà chỉ đơn giản phát hiện ra một ý tưởng hay và chia sẻ ý tưởng đó với nhân viên, nhà cung cấp, các đối tác kinh doanh và sau đó định hướng để biến những ý tưởng đó thành hiện thực.

Trụ cột 2: Chất lượng dịch vụ

Chất lượng dịch vụ là một trụ cột quan trọng để đánh giá hiệu quả của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực công, vì sản phẩm đầu ra chính là dịch vụ.

Hiện nay, có nhiều công cụ quản lý khác nhau được áp dụng để thúc đẩy dịch vụ trong các tổ chức công. Mô hình tinh gọn (Lean) là một trong những công cụ quản lý giúp chẩn đoán và phát hiện vấn đề thông qua hoạt động cải tiến liên tục. Mục tiêu chính là cung cấp cho khách hàng những giải pháp tốt nhất, từ đó nâng cao năng suất và khai phá văn hóa đổi mới sáng tạo trong các cơ quan, tổ chức công.

Trụ cột 3: Chính phủ điện tử

Trụ cột này tập trung vào việc sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin và truyền thông trong điều hành các cơ quan, tổ chức công nhằm cải thiện năng suất tổng thể. Trụ cột này đã trở thành một phần không thể thiếu trong hầu hết các chương trình quốc gia.

Để nâng cao chất lượng dịch vụ, Chính phủ cần xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử trong tất cả các tổ chức công nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ theo hướng minh bạch và công bằng. Áp dụng hiệu quả những công cụ 4 của Chính phủ điện tử có thể nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực công theo nhiều cách khác nhau như giảm chi phí, giảm thiểu tham nhũng, cải thiện chất lượng dịch vụ và quản lý công.

Trụ cột 4: Cải cách hành chính

Cải cách hành chính hỗ trợ Chính phủ cải thiện chất lượng hành chính thông qua cải cách quy định, quy chế nhằm loại bỏ những rào cản không cần thiết ảnh hưởng đến cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và tăng trưởng, đồng thời đảm bảo các quy định, quy chế hiệu quả để phục vụ các mục tiêu xã hội quan trọng.

Phân tích tác động của các quy định (Regulatory impact analysis -RIA) là một phương pháp hệ thống hóa để đánh giá những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của những quy định, quy chế hiện tại và đang đề xuất. Phương pháp này được nhiều quốc gia OECD tiến hành thực hiện để đánh giá năng lực của Chính phủ trong việc đảm bảo những quy định và quy chế đạt hiệu quả, đồng thời đánh giá những tác động đến những thế hệ tương lai như cơ hội cho thế hệ trẻ, đầu tư, tạo việc làm và đổi mới sáng tạo.

Trụ cột 5: Dịch vụ hướng tới người dân

Chính phủ cung cấp dịch vụ và nguồn lực để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người sử dụng, đó là người dân và những đối tượng có liên quan khác. Chính phủ cần sử dụng công nghệ như là nền móng mới để cung cấp và tích hợp các chương trình và dịch vụ sẵn có cho người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông qua các kênh thông tin khác nhau.

Chính phủ của nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực để cắt giảm phí cung cấp dịch vụ và tìm kiếm những phương thức khả thi hơn để tương tác với người dân và doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cần phải cải thiện tính hiệu quả của dịch vụ công.

Thực tiễn áp dụng Mô hình quản lý tinh gọn (Lean) trong lĩnh vực Y tế tại Malaysia

Trong lĩnh vực dịch vụ công tại Malaysia, y tế là lĩnh vực đi đầu trong việc áp dụng Lean bên cạnh lĩnh vực giáo dục và hành chính công.

Hiện nay, hệ thống y tế của Malaysia được chia thành hai nhóm chính đó là hệ thống y tế công và hệ thống y tế tư nhân. Đầu tư vào lĩnh vực y tế được kỳ vọng sẽ giúp Malaysia nhanh chóng đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2020. Do đó, Malaysia rất chú trọng đến lĩnh vực y tế, với định hướng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe không chỉ cho người dân mà còn cho người nước ngoài và khách du lịch.

Tuy nhiên, lĩnh vực y tế của Malaysia cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội từ mong muốn của Chính phủ và người dân về việc không 6 ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ. Mô hình quản lý tinh gọn (Lean) được phát triển và áp dụng đầu tiên trong ngành công nghiệp ô tô tại Malaysia nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao đồng thời cải thiện hiệu quả hoạt động của tổ chức và nâng cao mức độ hài lòng khách hàng.

Sau đó, một số tổ chức trong lĩnh vực y tế bao gồm: bệnh viện, phòng khám tư nhân và viện dưỡng lão đã bắt đầu áp dụng mô hình Lean tại Malaysia. Lean được xem là công cụ hiệu quả để phát hiện và loại bỏ lãng phí trong mọi quy trình. Lợi ích và mục tiêu của việc áp dụng Lean trong lĩnh vực y tế đó là giảm thiểu lãng phí, cũng như giảm thời gian chờ đợi và di chuyển không cần thiết, đồng thời tạo dựng chất lượng, tốc độ và mức độ linh hoạt trong tổ chức.

Theo vietq.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận