06:41 | 13-10-2017

Ngày Tiêu chuẩn Thế giới 14/10/2017: Tiêu chuẩn giúp thành phố thông minh hơn


Việc xây dựng một thành phố thông minh là vấn đề không hề đơn giản. Mỗi thành phố phải đối mặt với những thách thức riêng và đòi hỏi phải kết hợp nhiều giải pháp. Tuy nhiên, có một mẫu số chung giúp đơn giản hóa nhiệm vụ này.

Các tiêu chuẩn quốc tế hỗ trợ việc phát triển các giải pháp được điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của một thành phố nhất định. Chúng chứa đựng những kiến thức chuyên môn và thực tiễn tốt nhất và là những yếu tố cần thiết để đảm bảo chất lượng và hiệu năng của sản phẩm và dịch vụ. Ngoài ra, tiêu chuẩn cũng tạo ra sự tương thích giữa các công nghệ, giúp người dùng so sánh và lựa chọn giải pháp tốt nhất có sẵn.

Tiêu chuẩn cũng mở ra cánh cửa rộng hơn cho việc lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ. Chúng giúp tăng tính cạnh tranh và thúc đẩy sự đổi mới. Theo một cách tiếp cận hệ thống, tiêu chuẩn cho phép tích hợp các cấu trúc hoặc giải pháp từ các nhà cung cấp khác nhau.

Các tiêu chuẩn quốc tế giúp mọi thứ cùng hoạt động an toàn và trơn tru ở mọi cấp độ của thành phố. Tiêu chuẩn cung cấp nền tảng cho việc tiếp cận nguồn điện cũng như tất cả các thiết bị, hệ thống điện, điện tử. Tiêu chuẩn hỗ trợ công nghệ thông tin và truyền thông từ đó cho phép thu thập, trao đổi và phân tích dữ liệu, bảo mật thông tin. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là tiêu chuẩn cung cấp hướng dẫn quan trọng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống đô thị, bao gồm các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, giao thông thông minh, quản lý chất thải được cải thiện, xây dựng cộng đồng bền vững và nhiều hơn thế nữa.

Với tiêu chuẩn, chúng ta có thể từng bước làm cho các thành phố thông minh hơn. Các hòn đảo thông minh riêng lẻ có thể cùng phát triển và kết nối với nhau.

Thật tuyệt vời khi biết rằng các tiêu chuẩn quốc tế sẽ hỗ trợ cho sự phát triển đô thị thông minh một cách hiệu quả và toàn diện.

Chuỗi cung ứng thông minh sẽ thống trị thế giới.


Vận tải hàng hóa toàn cầu là một thành phần quan trọng trong thương mại hàng hoá và nguyên vật liệu, tuy nhiên các yêu cầu mới đối với mạng lưới vận tải đang tạo ra những thách thức mới cho dữ liệu. Các công ty vận tải đang cố gắng để đáp ứng các yêu cầu mới này, nhưng liệu họ có thành công? Chúng ta sẽ khám phá cách thức thúc đẩy sự đổi mới và cải tiến của một chuỗi cung ứng thông minh được xây dựng trên cơ sở các tiêu chuẩn.

Hãy tưởng tượng một mạng lưới vận chuyển hàng hóa kết nối tiên tiến cho phép kết nối hàng hoá một cách an toàn, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí; một mạng lưới có khả năng làm cho các phương thức vận tải khác nhau trở nên dễ sử dụng hơn bao giờ hết và cung cấp thông tin đáng tin cậy, dự đoán được và dễ tiếp cận cho phép chuyển sản phẩm từ A sang B và đi đến điểm cuối cùng.

Ngày nay, e-logistics liên quan đến vận chuyển hàng hoá là một lĩnh vực đang phát triển, và sẽ không bình ổn. Các công ty đang tìm kiếm phương thức để đưa sản phẩm ra thị trường và lên các kệ của người tiêu dùng một cách nhanh hơn và tốt hơn. Có một thực tế là nhu cầu thường vượt xa khả năng phục vụ của cơ sở hạ tầng giao thông. Thống kê cho thấy chỉ có rất ít các công ty chưa phải trải nghiệm tình trạng vận chuyển hàng chậm hoặc chi phí vận chuyển quá cao.

Tăng trưởng toàn cầu

Các sản phẩm gia dụng và văn phòng của chúng ta xuất hiện trên kệ là nhờ kết quả của công tác vận chuyển nhanh chóng, hiệu quả và an toàn đôi khi là trong cùng một thành phố và cũng có khi là từ bên kia bán cầu, và thường đòi hỏi sử dụng nhiều phương thức vận chuyển khác nhau ví dụ như đường sắt, đường không và qua các dịch vụ vận chuyển trên mặt đất. Vận chuyển hàng hóa đang thay đổi với tốc độ chóng mặt hơn bao giờ hết và theo một phương hướng mà cách đây tầm vài thế hệ khó có thể hình dung ra.


Để hiểu rõ hơn về tác động của vận chuyển hàng hóa toàn cầu, hãy xem xét điều này. Hàng năm, ngành vận tải vận chuyển hàng nghìn tỷ đô la hàng hoá đến mọi nơi trên thế giới và trở lại, thông qua một chuỗi cung ứng toàn cầu ngày một liên kết và kết nối. Theo báo cáo của UNCTAD, Thống kê và Xu hướng chính trong Thương mại Quốc tế năm 2016, phân tích mới nhất về các vấn đề liên quan đến thương mại do Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp Quốc đưa ra, trong năm 2015, thương mại thế giới về hàng hoá ước tính đạt khoảng 16000 tỷ USD. Mỗi cảng biển và sân bay được kết nối với mạng lưới đường bộ và đường sắt với thời gian cư trú liên vùng, phản ánh tính chất đa phương thức của hầu hết các hành trình vận chuyển hàng hóa.

Vận chuyển hàng hóa quốc tế và trong nước dự kiến sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng trong những năm tới và thập niên tới khi các nền kinh tế định hướng xuất khẩu và các nước đang phát triển tạo ra nhiều thương mại quốc tế hơn. Bên cạnh các vấn đề như gia tăng ùn tắc giao thông, thiệt hại đối với môi trường và các phí tổn kinh tế liên quan sẽ xuất hiện các yêu cầu tăng thêm liên quan đến lượng hàng hóa vận chuyển (hàng tấn hàng hóa), và khoảng cách vận chuyển hàng hóa.

Ngành công nghiệp hiện nay khác xa so với ngành công nghiệp trong quá khứ do các yêu cầu liên quan đến tốc độ và sự an toàn của việc giao nhận hàng hóa, không phải chỉ trong thị trường nội địa mà còn cả qua biên giới quốc gia. Khi nào hàng sẽ đến nơi? Vị trí hiện tại của một lô hàng cụ thể? Tình trạng của lô hàng? Tại sao chiếc xe vận chuyển lại dừng ngoài kế hoạch? Nhu cầu của các công ty đối với các dữ liệu thời gian thực chưa bao giờ quan trọng đến thế.

Các nhu cầu mới

Jan Tore Pedersen - Chủ tịch của Marlo, một công ty đi đầu trong lĩnh vực vận tải và logistic - cho biết: “Trong lĩnh vực vận tải và logistic có rấ nhiều tiêu chuẩn và trong thời gian dài sắp tới vẫn sẽ có nhiều tiêu chuẩn như vậy…Do vậy, để sự tương tác diễn ra một cách trơn tru và và hiệu quả, Tiêu chuẩn Quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong cả công tác kết nối lẫn trao đổi thông tin.”

Hiểu được những xu hướng này là chìa khóa để tái cơ cấu lại việc vận chuyển hàng hóa và vận chuyển đa phương thức trong tương lai. Đó là điều mà Pedersen cho biết có thể sẽ thay đổi với những sáng kiến như Dịch vụ Cổng châu Âu tại Cảng Rotterdam và Hệ thống Đặt chỗ tại cảng Antwerp, những điều này cho thấy mối liên quan ngày càng mật thiết giữa vận tải liên ngành và việc cung cấp các công-ten-nơ liên lục địa. Ông nói: "Khi các dịch vụ này được phổ biến hơn, chúng có thể thu hút các hàng hóa mà vốn thường được vận chuyển bằng phương tiện giao thông đường bộ - do các ưu điểm về tính sẵn có, tần suất liên tục và chi phí thấp…”.

Tiến hành cải tiến và đổi mới


Chúng ta đã có phần lớn sự đổi mới cần thiết để giải quyết những thách thức này. Những ý tưởng trong vận chuyển dữ liệu không phải là khoa học viễn tưởng. Ví dụ, Ban kỹ thuật ISO/TC 204 về các hệ thống vận tải thông minh đang tập trung vào nhu cầu trao đổi dữ liệu cho chuỗi cung ứng quốc tế, bao gồm nhu cầu dữ liệu cho giao diện với tất cả các phương thức vận tải. Những nhu cầu đó là cần thiết cho hệ thống thông tin và điều khiển vận tải.

Lấy tiêu chuẩn ISO/TS 24533: 2012, Hệ thống vận tải thông minh - Trao đổi thông tin điện tử để tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và chuyển tuyến giữa các phương tiện - Phương pháp trao đổi thông tin vận tải đường bộ làm ví dụ. Tiêu chuẩn này tập trung vào các giao diện vận tải của các nhà cung cấp dịch vụ vận tải thông qua chuỗi cung ứng hoặc các mục dữ liệu cụ thể liên quan đến các mảng thông tin vận chuyển quan trọng để đưa hàng hoá ra thị trường một cách nhanh chóng liên quan đến chia sẻ dữ liệu. Do đó, các cấu trúc và định dạng dữ liệu của các chế độ liên kết phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với nhau để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn từ đầu đến cuối.

Mục đích của tiêu chuẩn ISO / TS 24533 là cho phép chia sẻ dữ liệu điện tử thông qua nhiều mối quan hệ giữa các đối tác thuộc chuỗi cung ứng, điều này sẽ giúp đảm bảo các tiêu chuẩn bền vững. Các mối quan hệ này cũng đảm bảo rằng dữ liệu được khởi xướng bởi đối tác đầu tiên sẽ cho phép các đối tác khác truy cập một cách bình đẳng và có thể giúp các cơ quan hải quan truy cập dữ liệu sớm trong tiến trình hàng hoá đi qua chuỗi cung ứng.

Mặc dù các yêu cầu kỹ thuật góp phần xoá bỏ các nút thắt cổ chai trong trao đổi dữ liệu, nhưng tiền thân của nó, tài liệu khởi đầu xu hướng chính là Ngôn ngữ kinh doanh phổ quát (UBL). Được xuất bản dưới số hiệu tiêu chuẩn ISO/IEC 19845, tiêu chuẩn là một ngôn ngữ trao đổi dữ liệu chung, cho phép các cộng đồng thương mại và các ứng dụng kinh doanh khác biệt trao đổi thông tin dọc theo chuỗi cung ứng bằng một định dạng chung.


Tất cả quá rõ ràng

Nhưng các công ty đón nhận điều này như thế nào? Vì vô số lý do, các công ty vận tải thương mại vẫn còn do dự về việc áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến, và phần lớn vẫn còn đang do dự về việc những đột phá nào sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đến lợi nhuận và hiệu quả tổng thể của tổ chức.

Marlo tin rằng các tiêu chuẩn quốc tế đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với ngành công nghiệp logistric. “Nếu chúng ta muốn đạt được tăng trưởng trong vận tải liên ngành, thì các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế cần phải hoàn thiện những gì họ có, nhưng quan trọng hơn nữa đó là hỗ trợ khả năng tương tác và hợp tác hơn là cạnh tranh.” Pederson cho biết.

Hợp tác chính là chìa khóa. Để đạt được các mục tiêu chung, cần có quan hệ đối tác mới và cách làm việc mới với các tổ chức tiêu chuẩn khác. Vì điều này, ISO/TC 204 đã triển khai ý tưởng phối hợp chặt chẽ giữa các ban kỹ thuật của ISO, OASIS, IATA, IEC, CEN, Trung tâm Hỗ trợ Thương mại và Kinh doanh Điện tử của Liên hợp quốc và Tổ chức Hải quan Thế giới. Làm việc đơn độc không còn là phương án khả thi, đặc biệt là trong bối cảnh tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường vận tải đa phương thức toàn cầu.

Thị trường vận tải hàng hóa đa phương thức dự kiến sẽ tăng lên 26,19 tỷ USD vào năm 2019. Trong kịch bản hiện tại, dựa trên cơ sở chi tiêu và áp dụng cái mới, Bắc Mỹ được kỳ vọng sẽ là thị trường lớn nhất trong lĩnh vực này.

Với sự bùng nổ toàn cầu của ngành vận tải vận tải liên vận, nhu cầu đối với tiêu chuẩn đã tăng lên đáng kể. Đó là chưa kể đến những mối quan ngại về an ninh đang ngày một tăng lên và có lẽ không có ngành nào khác có thể minh hoạ tốt hơn cho tiên đề “thời điểm là ngay lúc này” vì ngành công nghiệp này có nhiệm vụ tìm kiếm các cách thức mới để giải quyết các thách thức liên quan đến vận chuyển hàng hóa trên khắp hành tinh.

Michael Onder, Chủ tịch của Tư vấn C3 tại Hoa Kỳ, chia se quan điểm của ông về những câu hỏi quan trọng này. Ông nói: “Ngày nay thị trường toàn cầu mang tính cạnh tranh đòi hỏi các hệ thống vận tải đa phương thức phải đáp ứng được các yêu cầu của ngành về hiệu suất và độ tin cậy cũng như kỳ vọng về sự bền vững của chính phủ…Vận tải rõ ràng là một hệ thống các hệ thống rất phức tạp và đa dạng, với các mạng lưới phức tạp. Tuy nhiên, để xây dựng một hệ thống giao diện, rất cần thiết có các tiêu chuẩn quốc tế được chấp nhận và thông qua”

Onder, trưởng dự án của ISO/TS 24533, giải thích về những lợi ích: “Chúng tôi hy vọng có thể sử dụng tiêu chuẩn ISO/TS 24533 làm công cụ phục vụ cho khả năng tương tác cho phép các thông điệp của tiêu chuẩn ISO/IEC 19845 được sử dụng một cách tương thích với các hệ thống khác (UN / EDIFACT, GS1, LOGINK). Điều này sẽ giúp giảm chi phí vận hành và tiêu thụ năng lượng, đồng thời mang lại độ tin cậy cao hơn với khả năng dự đoán được - yếu tố quan trọng trong quá trình ra quyết định của chuỗi logistic.”

Viễn cảnh tương lai

Mối quan tâm của hệ thống vận chuyển hàng hóa ngày nay không chỉ đơn thuần là việc xếp dỡ hàng lên các toa xe, tàu hay máy bay mà còn là các cuộc khủng hoảng và sự nắm bắt công nghệ. Các thách thức mới có thể kể đến như: truy vết hàng vận chuyển theo từng phút ở khắp nơi trên thế giới, tiết kiệm chi phí trong khi vẫn đảm bảo giao hàng nhanh chóng và lường trước các vấn đề và có kế hoạch dự phòng.


Với mức công nghệ và thông tin của ngày nay, những điều tưởng như bất khả thi trong quá khứ đã trở thành khả thi trong thì hiện tại. Để đạt đến tương lai hoàn hảo của vận tải cần thiết phải vượt qua một loạt các thách thức, chưa kể đến tiêu chuẩn và các vấn đề về khả năng tương thích. Các tiêu chuẩn về trao đổi dữ liệu liên kết sẽ giúp kết nối các cảng với các trung tâm đường sắt, vận tải hàng không và phân phối trên đất liền và mang lại hiệu quả lớn hơn trong cách thức vận chuyển hàng hoá.

Trong tương lai, tầm nhìn dài hạn là nền vận tải liên hợp hài hòa tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế. Đó sẽ là một nền vận tải có khả năng phục hồi sau khủng hoảng, mang lại hiệu quả về sử dụng năng lượng và có tính bền vững. Vậy liệu Tiêu chuẩn quốc tế có phải là giải pháp cho vấn đề không? Nếu lấy thiết kế và công nghệ hướng tới tương lai làm động lực thì luôn luôn có cơ hội

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận