Triển khai Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, việc rà soát các quy định về nhãn hàng hóa tại các văn bản luật được Bộ KH&CN chú trọng triển khai nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhãn hàng hóa, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về nhãn hàng hóa nhập khẩu sau thông quan, lưu thông trên thị trường theo hướng “hậu kiểm”, giảm thiểu thời gian thông quan, nhưng đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng để thống nhất, tránh chồng chéo trong quản lý nhà nước về nhãn hàng hóa.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Nam Hải
Nghị định số 43/2017/NĐ-CP (Nghị định 43) thay thế Nghị định số 89/2006/NĐ-CP (Nghị định 89) của Chính phủ về Nhãn hàng hóa đã có hiệu lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Nam Hải đã có trao đổi xung quanh nội dung này.
Thưa ông, từ 1/6, Nghị định 43 về nhãn hàng hóa có hiệu lực thi hành, xin ông cho biết lý do về việc ra đời Nghị định này như thế nào?
Ông Nguyễn Nam Hải: Việc ra đời của Nghị định số 43 vì những lý do cơ bản sau:
Thứ nhất: Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định 89 đã được ban hành 10 năm, các căn cứ xây dựng nên Nghị định này đã hết hiệu lực và được thay thế bởi những văn bản mới có hiệu lực pháp lý cao hơn như Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thay thế bởi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa được thay thế bởi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Do đó, cần được thay thế để phù hợp và thống nhất với hệ thống pháp luật hiện nay chính vì thế Nghị định số 43/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định 89 về Nhãn hàng hóa để đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.
Thứ hai: Nền kinh tế thị trường của Việt Nam trong 10 năm qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhiều hàng hóa mới xuất hiện trên thị trường, quá trình trao đổi, mua bán cũng phát sinh những vấn đề mới mà Nghịđịnh 89 chưa có những quy định để điều chỉnh, do đó cần được cập nhật và có những quy định mới đối với những vấn đề phát sinh.
Thứ ba: Nghị định 89 qua 10 năm thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, khó khăn cho doanh nghiệp như: có những nội dung chưa thống nhất với văn bản quản lý chuyên ngành, vấn đề ghi nhãn phụ, vấn đề xuất xứ hàng hóa….
Trước tình hình đó Chính phủ đã ra Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung Nghị định 89 để giải quyết tất cả những vấn đề nêu trên.
So với Nghị định 89, nghị định 43 về nhãn hàng hóa có điểm gì khác?
Ông Nguyễn Nam Hải: So với Nghị định 89, Nghị định 43 có những điểm mới cơ bản sau:
Thứ nhất: Nghị định 43 có nhiều điểm mới tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi, giảm chi phí phát sinh cho doanh nghiệp như: Miễn ghi nhãn phụ đối với hàng hóa là linh kiện nhập khẩu trong dịch vụ sửa chữa, bảo hành, không nhằm mục đích mua bán; Miễn ghi nhãn phụ đối với hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất nội bộ, không nhằm mục đích mua bán.
Hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được quay trở lại lưu thông trong nước cho phép gắn nhãn phụ, không phải làm lại toàn bộ nhãn hàng hóa. Cho phép doanh nghiệp tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa theo quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa và các Hiệp định Việt Nam tham gia.
Cho phép doanh nghiệp có hàng hóa được sản xuất tại nhiều cơ sở khác nhau có cùng tiêu chuẩn chất lượng thì được ghi tên và địa chỉ của tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, không phải ghi tất cả các địa chỉ sản xuất như quy định cũ.
Cho thời gian chuyển tiếp là 2 năm để các doanh nghiệp có thể sử dụng tất cả những nhãn cũ đã được in sẵn tránh gây lãng phí cho DN.
Thứ hai: Nghị định 43 cũng có những quy định mới nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng lậu, hàng giả và bảo vệ an ninh quốc phòng như: Quy định bắt buộc phải công khai thông tin đối với những hàng hóa là thực phẩm, hóa chất gia dụng dạng rời, đóng gói đơn giản không có bao bì thương phẩm và bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Quy định cụ thể việc gắn nhãn phụ đối với hàng nhập khẩu, hàng xuất khẩu tiêu thụ nội địa tránh gian lận. Quy định việc ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng đối với hàng hóa sang chia, sang chiết tránh gian lận về thời hạn sử dụng của hàng hóa để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ ba: Nghị định 43 quy định việc ghi nhãn hàng hóa đối với nhiều nhóm hàng hóa mới phát sinh và tích hợp nội dung của các văn bản quản lý chuyên ngành có liên quan đến nhãn hàng hóa nhằm đảm bảo tính mới, tính thống nhất của văn bản pháp luật.
Hiện nay, nhiều loại hàng hóa bao gói đơn giản, không nhãn mác nhất là những loại hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng đang được lưu thông trên thị trường. Nhóm hàng hóa này có được đưa vào diện phải chấp hành các quy định về nhãn hàng hóa theo Nghị định mới hay không?
Ông Nguyễn Nam Hải: Theo quy định tại Nghị định 43 thì tất cả các loại hàng hóa lưu thông trên thị trường trừ những hàng hóa không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định đều phải ghi nhãn hàng hóa.
Ngoài ra Nghị định 43 cũng đã có quy định phải công khai thông tin đối với hàng hóa là hóa chất, phụ gia thực phẩm là những loại có khả năng gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng có bao bì đóng gói đơn giản, hàng hóa dạng rời không có bao bì thương phẩm.
Vấn đề định lượng như cân đong đo đếm thời gian qua được các DN thực hiện như thế nào và việc quy định ghi rõ định lượng trên nhãn có giải quyết được vấn đề gian lận của DN hay không?
Ông Nguyễn Nam Hải: Trong thời gian qua, trong quá trình kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhận thấy các DN vẫn thực hiện việc ghi định lượng của hàng hóa khi bán ra thị trường. Tuy nhiên một số DN cách ghi còn chưa đúng theo quy định của các văn bản pháp luật về đo. Ngoài ra đối với hàng hóa nhập khẩu, nhiều đơn vị nhập khẩu chưa có nhãn phụ hoặc trên nhãn phụ cách ghi đại lượng đo, đơn vị đo cũng chưa chính xác theo quy định.
Việc quy định ghi rõ định lượng trên nhãn hàng hóa có ý nghĩa quan trọng đối với cả người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước. Người tiêu dùng có thêm thông tin để lựa chọn sản phẩm. Cơ quan quản lý căn cứ vào định lượng DN công bố trên nhãn hàng hóa và kết quả kiểm tra thực tế có thể xác định được DN có gian lận về đo lường hay không đặc biệt là đối với những hàng hóa có giá trị lớn như vàng trang sức, mỹ nghệ.
Xin ông cho biết kết quả của các cuộc thanh tra, kiểm tra về nhãn hàng hóa của Tổng cục thực hiện trong thời gian qua như thế nào?
Ông Nguyễn Nam Hải: Trong thời gian qua, các đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, thanh tra về chất lượng và nhãn hàng hóa. Đơn cử như đợt thanh tra, kiểm tra chuyên đề đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa năm 2015 triển khai trên phạm vi toàn quốc với 2867 cơ sở được thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý đối với 556 cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng (trong đó có 153 lượt vi phạm về nhãn hàng hóa, chiếm 21% số lượt hành vi vi phạm).
Hằng năm, Tổng cục đều có kế hoạch kiểm tra, thanh tra trên thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng khác như: Quản lý thị trường Thanh tra ... Các cuộc thanh tra, kiểm tra đều đạt được kết quả nhất định: phát hiện được những cơ sở có hàng hóa vi phạm, xử lý vi phạm theo đúng quy định, có báo cáo của từng đợt kiểm tra. Có những thành tích đóng góp đáng kể trong việc chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng