Chất thải y tế là chất thải phát sinh từ hoạt động của cơ sở y tế, bao gồm chất thải y tế nguy hại, chất thải rắn thông thường, khí thải, chất thải lỏng không nguy hại và nước thải y tế.
Sự gia tăng về số lượng chất thải y tế do các cơ sở y tế và bệnh viện sản xuất đã tạo ra một áp lực lớn đối với hệ thống quản lý chất thải. Việc không giải quyết tình trạng này có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người. Bởi trong thành phần của chất thải lây nhiễm có thể chứa đựng một lượng rất lớn các tác nhân vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm như tụ cầu, HIV, viêm gan B,….Các tác nhân truyền nhiễm có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua các hình thức: qua da (vết trầy xước, vết đâm xuyên hoặc vết cắt trên da), qua các niêm mạc (màng nhầy), qua đường hô hấp (do xông, hít phải), qua đường tiêu hóa (do nuốt hoặc ăn phải).
Chất gây độc tế bào gây tác hại trực tiếp tại nơi tiếp xúc đặc biệt là da và mắt với các triệu chứng thường gặp như chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu và viêm da. Đây là loại chất thải y tế cần được xử lý đặc biệt để tránh ảnh hưởng xấu của chúng tới môi trường và con người.
Chất thải hóa học và dược phẩm có thể gây ra các nhiễm độc cấp, mãn tính, chấn thương và bỏng,… Nhiễm độc thủy ngân có thể gây thương tổn thần kinh với triệu chứng run rẩy, khó diễn đạt, giảm sút trí nhớ,… và nặng hơn nữa có thể gây liệt, nghễnh ngãng, với liều lượng cao có thể gây tử vong.
Nhân viên y tế hoặc những người làm nhiệm vụ vận chuyển và thu gom rác phải tiếp xúc với chất thải phóng xạ trong điều kiện thụ động bị ảnh hưởng. Các triệu chứng hay gặp là đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và nôn nhiều bất thường,… ở mức độ nghiêm trọng hơn có thể gây ung thư và các vấn đề về di truyền.
Do đó, quá trình phân loại, thu gom, lưu giữ, quản lý chất thải y tế cần được thực hiện một cách chính xác, khoa học để giảm thiểu những tác động của chất thải y tế đặc biệt là chất thải nguy hại đối với sức khỏe người bệnh, cộng đồng dân cư cũng như môi trường xung quanh các cơ sở khám, chữa bệnh…
Theo Thông tư 20/2021/TT-BYT quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế nêu rất rõ về các loại chất thải y tế, cách bảo quản, phân loại, thu gom, lưu chứa, xử lý...
Ngoài ra theo quy định tại Quy chuẩn quốc gia QCVN 28:2010/BTNMT thì nước thải y tế phải được xử lý và khử trùng trước khi thải ra môi trường. Trường hợp nước thải y tế thải vào hệ thống thu gom để dẫn đến hệ thống xử lý nước thải tập trung thì phải được khử trùng, các thông số và các chất gây ô nhiễm khác áp dụng theo quy định của đơn vị quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Liên quan tới vấn đề quản lý chất thải y tế, Bộ Y tế cho biết, đã đến lúc cần rà soát, sửa đổi các quy chuẩn kỹ thuật về xử lý chất thải y tế phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường (QCVN 28:2010/BTNMT, QCVN 55:2013/BTNMT - QCKTQG và các QCVN xử lý chất thải y tế khác).
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị cần tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ xử lý chất thải y tế thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở y tế; Hướng dẫn về quy trình kỹ thuật tái chế thủy tinh và đề xuất chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tái chế thủy tinh; Ban hành hướng dẫn quy trình kỹ thuật về xử lý chất thải cho các cơ sở y tế quy mô nhỏ do hiện nay các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế quy mô nhỏ (trạm y tế tuyến xã, cơ sở y tế dự phòng, phòng khám tư nhân) còn gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn giải pháp công nghệ xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm, nước thải y tế vừa đảm bảo xử lý chất thải y tế đáp ứng yêu cầu về môi trường, vừa đảm bảo chi phí hợp lý, tránh lãng phí và khó khăn trong quá trình vận hành.
Nguồn: vietq.vn