09:14 | 21-10-2022

Quy rõ trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hóa

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2011. Sau gần 12 năm thực thi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã tạo hành lang pháp lý, bảo vệ hữu ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ phát triển mới nhằm phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, việc sửa đổi, bổ sung Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là điều rất cần thiết.

Sau khi nghiên cứu bản dự thảo Luật, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam có một số ý kiến: Về bố cục, nhất trí với bố cục của dự thảo Luật gồm 7 Chương và 80 Điều. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã khắc phục được những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, đồng thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Người tiêu dùng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ sản phẩm tại siêu thị. Ảnh: internet.

Mặc dù dự thảo Luật đã đạt được các mục tiêu nêu trên, chúng tôi cho rằng một số nội dung của dự thảo Luật cần được rà soát, xem xét, cân nhắc, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách hiệu quả trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.

Thứ nhất, trên cơ sở bài học kinh nghiệm của Ủy ban châu Âu, Chương I, Điều 16 quy định nghĩa vụ của người tiêu dùng: bên cạnh các quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường cần bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng cần phải tuân thủ các quy định về biến đổi khí hậu;

Thứ hai, Chương II, Điều 21 quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng: trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cường điệu hóa thông tin về sản phẩm, hàng hóa dịch vụ thì trách nhiệm của họ cần được đề cập tại Điều này hoặc bổ sung quy định tại Điều 34 (Chương II) về Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra; Điều 15 về quyền của người tiêu dùng và Điều 17 (Chương I) về các hành vi bị cấm;

Thứ ba, hiện nay, pháp luật và chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Ủy ban châu Âu đang gặp phải một số thách thức mới, như: các sản phẩm, dịch vụ có nguồn gốc xuyên biên giới, các sản phẩm công nghệ cao, nếu không có cơ chế chính sách giám sát, quản lý thị trường, truy xuất trách nhiệm và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa hiệu quả thì quyền lợi người tiêu dùng chưa kịp điều chỉnh, hoàn thiện để khắc phục hiệu quả những bất cập này. Trên cơ sở bài học kinh nghiệm này của châu Âu, dự thảo Luật cần xem xét, bổ sung một số nội dung liên quan tại Điều 21 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng; Điều 34 (Chương II) về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra; Điều 15 về quyền của người tiêu dùng và Điều 17 (Chương I) về các hành vi bị cấm;

Pháp luật, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Ủy ban châu Âu nhằm: hoàn thiện, nâng cao khung pháp lý về an toàn sản phẩm và dịch vụ và nâng cao khung giám sát thị trường; củng cố an toàn trong chuỗi thực phẩm; cải thiện thông tin và nâng cao nhận thức về quyền và lợi ích của người tiêu dùng cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp; xây dựng kiến thức và tăng cường năng lực để người tiêu dùng tham gia hiệu quả hơn vào thị trường; thực thi hiệu quả pháp luật về tiêu dùng, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm; và cung cấp các biện pháp giải quyết tranh chấp hiệu quả cho người tiêu dùng. Theo đó, trên cơ sở bài học kinh nghiệm của châu Âu, dự thảo Luật cần bổ sung các quy định về các biện pháp tranh chấp, thương lượng giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân tại Chương V.

Theo vietq.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận