Đảm bảo đo lường, chất lượng trang sức, xăng dầu…
Thời điểm cuối năm, các hoạt động SXKD, vận tải, cưới hỏi… diễn ra nhộn nhịp, do đó, mức tiêu thụ các mặt hàng xăng dầu, đồ trang sức cũng tăng đột biến. Vấn đề đo lường, chất lượng càng được dư luận quan tâm. Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, thời gian qua, Sở KH&CN đã vào cuộc quyết liệt nhằm siết chặt quản lý đo lường, chất lượng, đặc biệt đối với các mặt hàng trang sức, xăng dầu…
Ông Nguyễn Xuân Kiên - Phó Chánh thanh tra Sở KH&CN cho biết, trong năm qua, đặc biệt vào dịp cuối năm, hoạt động thanh kiểm tra đối với các lĩnh vực kinh doanh đồ trang sức, xăng dầu được triển khai quyết liệt. Nhìn chung, việc kiểm định phương tiện đo được các cơ sở kinh doanh xăng dầu tuân thủ, thực hiện nghiêm túc, các phương tiện đo có sai số nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở kinh doanh xăng dầu chưa thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý chất lượng, ghi nhãn hàng hóa theo quy định, có cơ sở không trang bị bộ ca đong, bình đong. Những sai phạm này đã bị xử phạt, người vi phạm cũng đã sớm tiến hành khắc phục lỗi.
Quản lý chặt chẽ công tác đo lường, chất lượng các mặt hàng trang sức, mỹ nghệ nhằm góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. (Ảnh mang tính minh họa)
Trong 51 cơ sở kinh doanh vàng bạc, trang sức được kiểm tra mới đây, có 48 cơ sở sử dụng cân trong giao dịch mua bán, thanh toán vàng trang sức, mỹ nghệ có chứng chỉ phương tiện đo còn hiệu lực. 100% mẫu kiểm tra về khối lượng vàng trang sức, mỹ nghệ đều đạt yêu cầu về đo lường và có giới hạn sai số trong phạm vi cho phép theo quy định của pháp luật. 41 cơ sở thực hiện việc thành lập doanh nghiệp và được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Phần lớn vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường đều có nhãn hàng hóa.
Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra, Sở KH&CN đã phát hiện 13/51 cơ sở có hành vi vi phạm. Trong đó, một số cơ sở sử dụng chứng chỉ kiểm định hết hiệu lực; một số cơ sở ghi thông tin trên nhãn đính kèm không đầy đủ nội dung quy định theo tính chất hàng hóa; không ít cơ sở bày bán nhiều mẫu sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn được công bố áp dụng. Số cơ sở trang bị quả cân, bộ quả cân nhưng chưa thực hiện kiểm định; chưa thực hiện trang bị quả cân, bộ quả cân và thực hiện tự kiểm tra cân định kỳ còn chiếm tỷ lệ khá cao. Đa số các cơ sở sản xuất ghi hàm lượng vàng trên sản phẩm chưa phù hợp theo hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng...
Quá trình thanh kiểm tra đã góp phần ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật, gian lận trong kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, làm lành mạnh thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp chân chính.
Siết chặt quản lý, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng
Ông Bùi Phong An - Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở KH&CN) cho biết, chi cục đã triển khai nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn, không đủ định lượng và ATVSTP. Ngoài việc thường xuyên thanh kiểm tra, chi cục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của Nhà nước về quản lý đo lường đến người dân, doanh nghiệp. Đến nay, tình trạng gian lận về đo lường cơ bản giảm mạnh, hiện tượng cân không chính xác tại các chợ, trung tâm thương mại được hạn chế. Không xảy ra vi phạm về chất lượng nghiêm trọng ở một số sản phẩm hàng hóa nhạy cảm như: vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, ATVSTP…
Bên cạnh đó, chi cục tích cực theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan hành chính nhà nước triển khai xây dựng, áp dụng, duy trì, mở rộng, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008. Đặc biệt, đơn vị thực hiện các cuộc kiểm tra chất lượng sản phẩm của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đối với thép dây, thép cây; kiểm tra về quản lý công tơ điện tại các HTX kinh doanh điện.
Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng đã xác định rõ trách nhiệm đối với hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn trong thời gian tới với phương châm “Tiêu chuẩn đo lường, chất lượng vì quyền lợi người tiêu dùng”. Cùng với đó, người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình và trở thành người tiêu dùng thông thái để chủ động loại bỏ, không sử dụng hàng hóa, dịch vụ có biểu hiện vi phạm về đo lường, chất lượng - ông An nói thêm.
Dương Chiến