03:09 | 20-05-2022

Truy xuất nguồn gốc - công cụ hữu ích phục vụ kiểm soát thị trường, chất lượng sản phẩm hàng hoá

Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của gần 230 công chức, viên chức và người lao động đến từ các đơn vị thuộc Tổng cục TCĐLCL.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được đại diện Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy, Vụ Tiêu chuẩn, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia phổ biến, chia sẻ các nội dung: Thứ nhất , một số vấn đề mới về quản lý nhà nước đối với hoạt động truy xuất nguồn gốc; Thứ hai , tổng quan các TCVN về truy xuất nguồn gốc đã được ban hành và định hướng xây dựng các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc; Thứ ba , tổng quan về triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc;

Thứ tư , 23 TCVN liên quan đến truy xuất nguồn gốc như tiêu chuẩn về yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc; tiêu chuẩn hướng dẫn định dạng các mã dùng cho truy vết; tiêu chuẩn hướng dẫn định dạng vật mang dữ liệu; tiêu chuẩn về một số nguyên tắc và yêu cầu chung đối với tổ chức đánh giá và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc; các tiêu chuẩn hướng dẫn chung về truy xuất nguồn gốc đối với một số chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp (TCVN về truy xuất nguồn gốc rau quả tươi; nhóm TCVN về truy xuất nguồn gốc thịt và sản phẩm thịt; nhóm TCVN về truy xuất nguồn gốc thủy sản; nhóm TCVN về truy xuất nguồn gốc cacao; TCVN về các tiêu chí đánh giá hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm), tiêu chuẩn về hướng dẫn truy xuất nguồn gốc cho chuỗi cung ứng thuốc hoá dược.

Ông Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL cho biết, quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đã được quy định tại Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21/01/2022 của Chính phủ, trong đó giao Bộ Khoa học và Công nghệ giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; hướng dẫn nâng cao năng lực kỹ thuật cho hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và hỗ trợ phát triển sản phẩm, hàng hóa chủ lực, phát triển kinh tế - xã hội của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương;

Quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu; quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và vật mang dữ liệu; quản lý tổ chức triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương - Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy

Quy định quản lý nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc để giúp doanh nghiệp tăng cường truy xuất nguồn gốc theo sự phát triển của thế giới trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vấn đề chuyển đổi số.

Đối với xuất khẩu hàng hóa, nếu không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thì sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh (ví dụ: với lĩnh vực thủy sản, truy xuất nguồn gốc thủy sản chính là yếu tố bắt buộc với doanh nghiệp muốn xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Việc các doanh nghiệp Việt Nam thường bị treo thẻ vàng mỗi khi xuất khẩu sản phẩm thủy sản chính là tiếng chuông báo động cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này).

Còn đối với hàng hóa nhập khẩu, thông qua việc truy xuất nguồn gốc giúp việc kiểm soát chất lượng các mặt hàng nhập khẩu tốt hơn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và sự cạnh tranh bình đẳng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước. Qua đó, hạn chế mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như thực phẩm, dược phẩm, đồ may mặc...

Truy xuất nguồn gốc là công cụ hữu ích phục vụ công tác quản lý, kiểm soát thị trường hàng hóa và là một trong những biện pháp thi hành để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vấn đề chuyển đổi số sẽ giúp mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị mới nhờ việc cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mới; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa, nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Việc định danh, mã hóa và thu thập thông tin dạng máy đọc là tiền đề để có thể số hóa, trao đổi dữ liệu điện tử giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng và là nền tảng cho giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử.

Toàn cảnh Hội thảo tập huấn

Hội thảo đào tạo, tập huấn này rất hữu ích cho các công chức, viên chức và người lao động của Tổng cục TCĐLCL. Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục tổ chức các Hội thảo đào tạo, tập huấn nội bộ tương tự liên quan đến lĩnh vực TCĐLCL. Ngoài ra, từ ngày 01-03/6/2022, Tổng cục TCĐLCL cũng sẽ tổ chức Hội thảo tập huấn cho các địa phương liên quan đến triển khai, áp dụng và quản lý hoạt động truy xuất nguồn gốc.

Theo vietq.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận