00:39 | 14-06-2023

VCCI: Chính sách phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia là hết sức cần thiết

Thẩm quyền ban hành danh mục hàng hoá nhóm 2

Theo VCCI, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá hiện đang quy định thẩm quyền ban hành danh mục hàng hoá nhóm 2 thuộc về các Bộ. Qua 15 năm triển khai, việc ban hành danh mục hàng hoá nhóm 2 có nhiều bất cập.

Thứ nhất, tình trạng danh mục hàng hoá nhóm 2 của các bộ có sự giao thoa, chồng chéo khiến cho cùng một mặt hàng của doanh nghiệp phải chịu sự quản lý của nhiều bộ, phải thực hiện nhiều lần kiểm tra. Báo cáo tổng kết thi hành của Bộ KH&CN cũng đã chỉ ra vấn đề này. Điều này xuất phát từ lỗ hổng của pháp luật là không có một cơ chế và thiết chế nhằm kiểm soát quyền của các bộ. Chính phủ đã nhiều lần phải thúc giục các bộ ngồi lại với nhau để xác định mỗi mặt hàng chỉ có một cơ quan kiểm tra. Tuy nhiên, cơ chế này vẫn thiếu cơ sở pháp lý, do đó tình trạng chồng chéo vẫn diễn ra.

Thứ hai, có tình trạng một số bộ lạm dụng đưa vào danh mục hàng hoá nhóm 2 nhiều loại hàng hoá không cần thiết phải kiểm tra. Ví dụ, Phụ lục 2 của Báo cáo tổng kết thi hành cho thấy, trong 3 năm từ 2019 đến 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra 72.141 lô hàng và phát hiện 18 trường hợp vi phạm. Tỷ lệ vi phạm chỉ là 0,025% số lô hàng. Nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh việc kiểm tra này vẫn chưa được tích hợp trên Cổng một cửa quốc gia, doanh nghiệp vẫn phải làm bản giấy với chi phí rất lớn, với nhiều trường hợp phải phá huỷ mẫu hoặc gửi mẫu ra nước ngoài kiểm tra. Trong nhiều trường hợp chi phí của việc kiểm tra chất lượng hàng hoá nhóm 2 lớn hơn so với rủi ro ngăn chặn được.

Thứ ba, có tình trạng việc đưa hàng hoá vào danh mục nhóm 2 quá dễ dàng dẫn đến sự tuỳ tiện và nhiều bất cập khi thực thi. Báo cáo tổng kết thi hành cũng chỉ ra tình trạng nhiều hàng hoá được đưa vào danh mục nhóm 2 nhưng không có mã HS đi kèm, không có quy chuẩn kiểm tra. Có trường hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung keo dán gỗ vào danh mục hàng hoá nhóm 2 nhưng đến ngày có hiệu lực vẫn không chỉ định đơn vị đánh giá sự phù hợp.

Ảnh minh hoạ

Tất cả những vấn đề trên cho thấy, việc ban hành danh mục hàng hoá nhóm 2 hiện có rất nhiều bất cập và cần có biện pháp mạnh mẽ hơn để kiểm soát. Danh mục này rất quan trọng đối với các doanh nghiệp vì nó ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc các danh mục được ban hành ở cấp Thông tư, với trình tự thủ tục dễ dàng, ít được trao đổi, thảo luận, không được đánh giá tác động, không có kiểm soát về thủ tục hành chính là nguyên nhân gây ra tình trạng trên.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định về thẩm quyền ban hành danh mục hàng hoá nhóm 2 theo hướng nâng lên cấp Nghị định của Chính phủ. Cơ chế này sẽ giúp danh mục này được thảo luận giữa các bộ và sẽ không còn tình trạng chồng chéo. Trình tự thủ tục ban hành nghị định cũng chặt chẽ hơn qua đó nâng cao chất lượng của quy định này.

Kinh nghiệm của lĩnh vực điều kiện đầu tư kinh doanh cho thấy, từ khi cấm các bộ ban hành điều kiện đầu tư kinh doanh và đưa lên cấp Nghị định, chất lượng của các quy định này được nâng cao rõ rệt. Các điều kiện đầu tư kinh doanh không minh bạch, không khách quan, định tính đã được loại bỏ toàn bộ, các điều kiện không hợp lý cũng đã được điều chỉnh.

Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia và quản lý dịch vụ đánh giá sự phù hợp

VCCI nhận định, đề xuất chính sách về phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia là hết sức cần thiết. Theo Global Quality Infrustructure Index, chỉ số hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam hiện nay đứng thứ 51 thế giới. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam xếp thứ 19 thế giới. Như vậy, có thể nói hạ tầng chất lượng quốc gia hiện đang tụt hậu, chưa đáp ứng được sự phát triển kinh tế của đất nước.

Để phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, ngoài việc đầu tư cho trang thiết bị, nhân lực, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, thì cần lưu ý chú trọng xây dựng thể chế và kỷ luật thị trường. Dường như trong thời gian qua, biện pháp quản lý các đơn vị đánh giá sự phù hợp của Nhà nước vẫn tập trung vào việc đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục đăng ký nhiều hơn là bảo đảm tính độc lập, khách quan của dịch vụ này.

Hiện nay, vẫn còn có tình trạng các đơn vị đánh giá sự phù hợp hoạt động chưa thực sự nghiêm túc, chưa bảo đảm tính độc lập, khách quan, trung thực trong hành nghề. Tình trạng doanh nghiệp trả chi phí không chính thức hoặc các biện pháp khác để tác động vào kết quả đánh giá sự phù hợp vẫn còn tồn tại. Theo khảo sát của VCCI được thực hiện năm 2020 vẫn có khoảng 19,8% doanh nghiệp phản ánh việc chi trả chi phí không chính thức khi sử dụng dịch vụ đánh giá sự phù hợp, chiếm tỷ trọng khoảng 22,3% trong tổng chi phí dịch vụ.

Điều này không chỉ gây nguy hại khi hàng hoá không bảo đảm an toàn, chất lượng được đi ra thị trường, mà về lâu dài có thể còn làm mất uy tín của các tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam. Nếu kết quả đánh giá của các tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam không được người mua ở nước nhập khẩu công nhận thì hàng hoá của Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu. Nhà xuất khẩu có thể sẽ phải thuê các tổ chức đánh giá sự phù hợp của nước ngoài hoặc mời người từ nước ngoài về đánh giá với chi phí cao và mức độ sẵn có thấp.

Do đó, việc tăng cường kỷ luật, tính độc lập, khách quan, trung thực trong dịch vụ đánh giá sự phù hợp là một trong những vấn đề cần thiết và cấp thiết hiện nay. Trong khi đó, báo cáo tổng kết thi hành và các chính sách được đề xuất tại Dự thảo hồ sơ chưa đề cập đến vấn đề này.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung một số vấn đề. Thứ nhất, tổng kết về việc xử lý các đơn vị đánh giá sự phù hợp, trong đó cần bóc tách riêng nội dung về xử lý vi phạm do cung cấp kết quả đánh giá sai, thực hiện đánh giá không bảo đảm tính độc lập, khách quan và không thực hiện đánh giá nhưng vẫn cấp kết quả.

Thứ hai, nghiên cứu bổ sung các biện pháp giám sát đơn vị đánh giá sự phù hợp để tăng cường tính kỷ luật của dịch vụ này. Ví dụ, có cơ chế ngẫu nhiên kiểm tra lại các kết quả đánh giá, kiểm tra đối chứng để phát hiện các trường hợp vi phạm tính độc lập, khách quan của dịch vụ.

Nguồn: vietq.vn

GÓP Ý - TRAO ĐỔI

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HÀ TĨNH

ReCaptcha:

Bình luận