Cuộc chơi với nhiều “ông lớn”
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, “làn sóng” ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trở nên mạnh mẽ trên khắp thế giới và trở thành một xu thế mới trong quan hệ kinh tế quốc tế mà các quốc gia không thể đứng ngoài cuộc.
Nhận thức rõ điều này, những năm qua, Việt Nam rất tích cực tham gia đàm phán và ký kết các FTA. Các FTA đã mở ra vô vàn cơ hội cho doanh nghiệp Việt nhưng song hành với đó là không ít thách thức, đặc biệt là hệ thống hàng rào kỹ thuật (TBT) và tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu.
Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) về vấn đề trên, bà Bùi Kim Thùy - Đại diện Cấp cao tại Việt Nam - Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC); Thành viên Hội đồng Cố vấn Harvard - Asia Pacific cho biết: Tính đến nay, Việt Nam có 17 FTA, trong đó có 15 Hiệp định đã và đang thực hiện, tức là doanh nghiệp và người dân đã và đang được hưởng lợi từ các ưu đãi của 15 Hiệp định này. Ngoài ra, chúng ta còn 2 Hiệp định nữa chưa hoàn tất đàm phán, chưa ký, chưa thực hiện.
Trong 17 FTA, có 3 hiệp định được cho là FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, UKVFTA). Thế hệ mới được hiểu là những điều khoản tiến bộ, văn minh, hướng tới thương mại tự do công bằng và phát triển bền vững.
Nhìn vào bản đồ FTA có thể thấy, Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển duy nhất trên toàn cầu có số lượng FTA nhiều và với nhiều “ông lớn” như vậy. Nói như thế để ta hiểu rằng sức mạnh của việc mở cửa một cách văn minh, tức là ta chơi với những đối tác văn minh thông qua một hệ thống FTA đa dạng, phủ trên diện rộng, có chiều sâu. Trong đó, chiều sâu đúng nghĩa vì ta có FTA thế hệ mới, với những điều khoản tiến bộ, hướng tới thương mại tự do công bằng và bền vững, còn rộng đúng nghĩa là vì ta có nhiều FTA phủ rộng với thế giới.
Đó là lợi thế tốt cho Việt Nam trong công cuộc cải cách, đổi mới, chuyển đổi mô hình và hội nhập chất lượng cao.. Điều này cũng hữu ích cho cả xuất khẩu và nhập khẩu của nước ta.
Cụ thể, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, với biên độ mở trên 200%. Chúng ta nhìn thấy sức mạnh của FTA thông qua các mốc thời gian. Trước đây, Việt Nam liên tục nhập siêu nhưng kể từ năm 2012, lần đầu tiên chúng ta xuất siêu, và đến năm nay 2022, 10 năm liên tiếp chúng ta đã liên tục xuất siêu.
Vì vậy, không thể phủ nhận đó là những tác dụng, ưu điểm to lớn của FTA mang lại. Ở chiều ngược lại, hàng hóa nhập khẩu chính ngạch đã rẻ một cách tương đối, với nguồn cung dồi dào chất lượng cao đa dạng chủng loại chính là nhờ việc giảm thuế trong FTA đã giúp lưu chuyển hàng hóa giữa các thành viên thuận lợi hơn xét cả về tốc độ và thuế suất.
Áp lực tích cực tạo nên kim cương
Cùng với những ưu điểm, bà Thùy cũng chỉ ra những thách thức, áp lực tích cực mà doanh nghiệp gặp phải: “Bên cạnh ưu điểm, chúng ta cũng nói đến những vấn đề mà cá nhân tôi không coi là nhược điểm chúng ta nên ta coi đó là những thách thức, áp lực tích cực mà cộng đồng doanh nghiệp (không phân biệt doanh nghiệp do người Việt Nam làm chủ hay doanh nghiệp FDI) đang có hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam gặp phải trong quá trình xuất nhập khẩu với thế giới.
Và tôi cho rằng đó là những thách thức tích cực, bởi giống như kim cương đính trên vương miện, càng nhiều khó khăn thì khi chạm đến thành công bạn càng tỏa sáng. Điều này cũng giống như việc doanh nghiệp, người dân phải đương đầu với những rào cản như các hàng rào kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp kiểm dịch động thực vật, các hàng rào phi thuế quan của thị trường xuất khẩu”, bà Thùy nhấn mạnh.
Về nguyên nhân, thời gian gần đây, chúng ta chứng kiến cuộc xung đột giữa những cường quốc lớn, hay nói cách khác đây là cuộc cạnh tranh ở cấp độ toàn diện. Nhìn bề nổi thì đây là xung đột thương mại (mua - bán) là thứ mà chúng ta dễ nhìn thấy nhất thông qua việc đánh thuế. Trong khi còn nhiều những vấn đề ở phía dưới mà người thường khó quan sát và báo chí truyền thông cũng chưa nói nhiều ở chiều sâu, trong đó có cuộc cạnh tranh về số (digital).
Trong số 10 công ty lớn nhất trên toàn cầu tính về trị giá thương hiệu, tổng tài sản thì 9/10 công ty làm về digital. Và trong số 10 công ty đó thì có 8/10 công ty của Hoa Kỳ, 2/10 công ty của Trung Quốc, nghĩa là cuộc cạnh tranh nằm ở chữ “digital”. Cho nên việc doanh nghiệp, người dân phải vượt qua những rào cản kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp kiểm dịch động thực vật... và phải vượt qua những thứ được cho là hệ quả của cuộc cạnh tranh xung đột sẽ là thuế chống lẩn tránh, thuế chống bán phá giá, các biện pháp phòng vệ thương mại. Trong đó đáng kể nhất là thuế chống lẩn tránh, một trong những biện pháp được tạo ra từ hệ quả của cuộc xung đột Hoa Kỳ - Trung Quốc.
Một khi Hoa Kỳ muốn áp thuế phòng vệ thương mại với Trung Quốc thì đồng thời Hoa Kỳ sẽ điều tra và khi có đủ cơ sở sẽ tìm cách áp mức thuế tương tự đối với hàng hóa đến từ bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là những quốc gia hàng xóm (có chung đường biên giới đất liền và biển) với Trung Quốc, vì sẽ nảy sinh sự nghi ngờ về chuyển tải bất hợp pháp, hoặc Hoa Kỳ sẽ áp thuế chống lẩn tránh đối với những hàng hóa sử dụng một phần cho đến toàn phần các yếu tố đầu vào từ Trung Quốc. Nghĩa là nguyên liệu từ Trung Quốc thì kể cả sản xuất tại đâu (trong đó có Việt Nam, quốc gia có biên giới trên biển và trên đất liền với Trung Quốc)... thì hàng hóa có thể vẫn trong diện điều tra áp thuế chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ. Tất cả những điều nêu trên đều được gọi là rào cản kỹ thuật, và việc của doanh nghiệp là phải tìm cách vượt qua.
Bà Thùy cũng cho rằng, gọi những rào cản trên là tích cực hay tiêu cực lại phụ thuộc vào góc nhìn của người quan sát, và tùy thuộc vào khả năng thực hiện của mỗi doanh nghiệp. Đối với nhiều doanh nghiệp lớn, họ có nguồn lực, trong đó nguồn lực quan trọng nhất không phải tài sản, mà là các công cụ pháp lý.
Họ nắm vững các quy định, có công ty tư vấn tốt, có luật sư tư vấn tốt thì họ sẽ dễ dàng vượt qua các rào cản và xuất khẩu thành công vào những thị trường khắt khe, khó tính. Cùng một vấn đề như vậy sẽ là khó khăn, thậm chí không vượt qua nổi với những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, nguồn lực thiếu và yếu, thiếu hiểu biết về pháp lý, tập quán kinh doanh quốc tế, thiếu hiểu biết về luật pháp của nước mà hàng hóa dự kiến nhập khẩu.
Theo vietq.vn